HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




ĐOÀN HỌC SINH TIÊU BIỂU HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

THAM QUAN VÀ TÌM HIỂU KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Đoàn Thanh niên cộng sản HCM Học viện Múa Việt Nam

09/05/2022

Hướng tới kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh và 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; được sự chỉ đạo và nhất trí của Đảng ủy, Ban Giám đốc, sáng ngày 07/5/2022, Đoàn Thanh niên cộng sản HCM Học viện Múa Việt Nam phối hợp với Phòng Công tác HSSV tổ chức chuyến tham quan và tìm hiểu tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Tham gia chuyến thăm quan có đ/c Trần Hải Yến - ĐUV, Phó trưởng phòng Hành chính, tổng hợp; đ/c Lưu Hoàng Trường - Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Múa Việt Nam; đ/c Lý Thị Thanh Xuân - Phó trưởng phòng Công tác HSSV; đ/c Cao Thị Phương Nhung - Phó trưởng khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản cùng các đ/c trong Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Học viện, đại diện Giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt là sự tham gia của 21 học sinh tiêu biểu, gương mẫu đại diện cho những đội viên của Học viện Múa Việt Nam.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi sống và làm việc lâu nhất của Hồ Chí Minh (từ 19 tháng 12 năm 1954 đến 2 tháng 9 năm 1969), được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định xếp hạng là Khu di tích ngày 15 tháng 5 năm 1975. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.

Đoàn thăm quan được hướng dẫn viên giới thiệu lần lượt những địa điểm đặc biệt của Khu di tích. Các em học sinh được vào lăng viếng Bác. Tiếp đến là Bảo tàng - nơi trưng bày những hiện vật quý giá lên đến hàng ngàn hiện vật - minh chứng cho những hoạt động của Bác trong suốt quá trình Bác ra đi tìm đường cứu nước và về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Các di tích, hiện vật, tài liệu được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Bác sống và làm việc.

Đoàn được thăm quan và tìm hiểu Nhà 54, là nơi Bác Hồ sống và làm việc từ 12/1954 đến giữa 5/1958. Sau đó, Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn được xây dựng trong khu vườn Phủ Chủ tịch nhưng hàng ngày vẫn trở về đây để dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ. Nhà sàn gỗ tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi Bác sống và làm việc từ giữa 5/1958 đến 1969. Đây là kiểu nhà sàn được chính Bác lựa chọn sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Các em học sinh được tìm hiểu về Ao cá trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng hơn 3.000m² nằm phía trước nhà sàn. Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác thường ra cầu ao cho cá ăn. Các em cũng được ngắm khu vườn xanh ngát các loại cây trái và hoa thơm trong khuôn viên của khu di tích do chính tay bác trồng năm xưa. Trong đó đáng chú ý nhất là giàn hoa giấy màu tím. Bác coi giàn hoa đó như một phòng khách đặc biệt, không bị giới hạn bởi không gian nên thường tiếp khách trong nước, ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời.

Các em học sinh còn được đến thắp hương tại Chùa Một cột, địa điểm thăm quan nằm cạnh khuôn viên của Khu di tích. Nhưng có lẽ xúc động và ấn tượng nhất là Đoàn thăm quan được xem video ngắn 15 phút về Những giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không phải là lần đầu tiên các em được nghe, xem, đọc, tìm hiều về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, nhưng không hiểu sao trong giây phút ấy, không ai bảo ai không khí trở nên im lặng, những thước phim chiếu đến đâu lại nghe tiếng thút thít khóc của các em đến đó. Bác đã đi xa lâu rồi mà sao trong mỗi người dường như Bác vẫn còn đây – dõi theo đất nước, dõi theo các em thiếu niên, nhi đồng. Người đi rồi nhưng muôn vàn tình yêu thương người vẫn để lại đúng như Di chúc Người đã viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Chuyến thăm quan tuy chỉ diễn ra vỏn vẹn gần 3h đồng hồ nhưng dự âm của nó như vẫn còn đây. Chuyến tham quan tuy ngắn ngủi nhưng đã giúp cho các bạn Đội viên hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, hiểu rõ hơn về vị cha già đã hy sinh cả cuộc đời mình cho tổ quốc, non sông. Từ đó, càng nâng cao lòng tự hào dân tộc, quyết tâm rèn luyện bản thân, nâng cao phẩm chất đạo đức cũng như kỹ năng chuyên môn, tích cực học tập góp phần xây dựng đất nước như mong mỏi của Người trong di chúc: “…Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.

Sau đây là một số hình ảnh của chuyến tham quan: