HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




NHỮNG BÀI HỌC DẠY TRÒ QUA TRẬN ĐẠI DỊCH COVID 19


Khoa Văn hóa & KTCB

14/07/2022

Cuộc sống bình thường mới bắt đầu trở lại trên đất nước ta cũng như ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là điều mà chỉ cách đây một năm trước, chắc hẳn rất nhiều người đã vô cùng khao khát, mong mỏi khi cơn bão covid đột nhiên ập đến. Trận đại dịch mà có lẽ, người giàu trí tưởng tượng nhất thế giới chắc cũng chưa bao giờ nghĩ ra nổi. Những giọt mồ hôi và nước mắt, những mất mát, đau thương đã thấm đẫm không biết bao trang báo, đã trở thành nỗi nghẹn ngào mỗi khi nhớ lại của không biết bao nhiêu người.

Chúng ta đang dần được sống những tháng ngày bình yên như trước khi có đại dịch. Tuy nhiên, sự bình yên sau cơn bão tố, sau cuộc chiến tranh không khói súng ấy thật quý giá biết nhường nào! “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những gấm lụa nhung hoa không làm cho chúng ta khôn lớn; con người chỉ thực sự trưởng thành từ trong thử thách, khó khăn. Nếu coi trận đại dịch covid là một “phép thử” để tôi rèn nên những công dân trẻ Việt Nam trong thời đại mới thì chúng ta sẽ tìm ra rất nhiều bài học cho bản thân mình qua những ngày giông bão đó.

Trước hết, đó là bài học về ý thức của mỗi con người với tư cách là một thành viên trong xã hội, một công dân của đất nước. Trong những ngày đại dịch covid 19 hoành hành, chúng ta bắt gặp vô vàn hình ảnh những y bác sĩ ăn vội miếng cơm khi đã quá bữa, nằm ngủ gục trên ghế hay ngồi mệt nhoài trên cả hành lang bệnh viện, khuôn mặt khắc rõ những vết khẩu trang, đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ… Họ là những anh hùng thực sự, những người lính hi sinh âm thầm, sẵn sàng tác nghiệp, bỏ lại sau lưng nỗi nhớ gia đình để tham gia trận chiến khủng khiếp này. Chúng ta nhìn những hình ảnh đó để càng thấy được vai trò của việc nâng cao ý thức bản thân ngay trong thời điểm hiện tại. Ý thức bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, ý thức xây dựng và giữ gìn hình ảnh của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam trong thời kì nào cũng là việc làm cần thiết.

Đó còn là bài học về sự đoàn kết, sẻ chia “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Rồi sẽ đến một ngày, những khái niệm như “truy vết”, “cách ly”, “phong tỏa” của trận đại dịch covid không còn được sử dụng nữa, nó trở thành một phần trong kí ức chúng ta. Tuy nhiên, khi cả đất nước gồng mình chống đại dịch, khi người nghèo cần từng gói mì tôm, mớ rau, túi gạo; khi những người giàu đôi khi cũng khóc vì có tiền mà không thể mua nổi thức ăn bởi giãn cách… thì việc giúp nhau lúc hoạn nạn vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Chúng ta cứ giúp đỡ người khác khi mình có thể và hãy tin rằng, khi gặp khó khăn thì chắc chắn sẽ có ai đó chìa bàn tay ra cho mình nắm lấy. Chúng ta không phải là Rô – bin – xơn sống trên hoang đảo nên đoàn kết chính là sức mạnh mà thời nào cũng cần có.

Cuối cùng, đó chính là bài học về sự thấu cảm, bao dung. Những thiết bị công nghệ hiện đại giúp chúng ta đến gần với nền văn minh thế giới, nắm bắt tin tức với tốc độ nhanh như tốc độ của ánh sáng. Cuộc sống thực tế và sự hỗ trợ của mạng xã hội đã mang lại cho mọi người những cảm xúc thật đặc biệt từ covid 19. Tuy nhiên, hãy khoan đánh giá, cười cợt, mỉa mai người nào đó; như hình ảnh của một ông bố vượt giãn cách để đi chở bình oxy cứu con mình tại thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Chúng ta hãy thấu hiểu, đồng cảm, tinh tế và sâu sắc hơn để nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều; cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi đặt vào vị trí của người khác để đánh giá, nhận xét.

Đoàn thanh niên phường Mai Dịch phối hợp với Học viện Múa Việt Nam hỗ trợ sinh viên Lào

trong đại dịch Covid 19 (Nguồn: Facebook Phòng Công tác HSSV)

Những bài học từ trận đại dịch covid 19, có lẽ ở đâu, lúc nào chúng ta cũng nên nhớ đến. Đó là những bài học đã được đúc kết từ truyền thống dân tộc, trong khó khăn, thử thách lại càng trở nên cần thiết. Vì thế, chúng ta hãy học hỏi để trau dồi kĩ năng sống, để hoàn thiện bản thân, để trở thành những công dân toàn diện trong thời đại số!