HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




SÁNG TẠO MỚI – KẾT QUẢ MỚI

ThS. Trịnh Minh Ngọc

14/9/2022

Trại sáng tác, nơi tạo không gian, môi trường cho những ý tưởng, tư duy sáng tác, nơi chắp cánh cho những sáng tạo văn hóa nghệ thuật bay cao. Trong không gian, môi trường ấy đã góp phần không nhỏ khơi dậy cảm xúc, đam mê và truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với văn nghệ sĩ, để từ đó cho ra đời những tác phẩm văn hóa nghệ thuật, những “Đứa con tinh thần”có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, đáp ứng công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước cũng như nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.

Thực tế đã cho thấy, những tác phẩm văn học nghệ thuật gây được tiếng vang lớn, từ kịch bản múa, đề cương nghiên cứu khoa học cho tới chương trình, giáo trình, tiểu luận… là kết quả đáng tự hào từ hoạt động của những Trại sáng tác văn học nghệ thuật. Cũng từ đây, nhiều tác giả đã nhận được giải thưởng về văn học nghệ thuật của các Hội chuyên ngành và trong các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc. Đặc biệt, trước nguy cơ các di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán tốt đẹp cùng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có nguy cơ mai một và bị lấn át bởi văn hóa ngoại lai thì Trại sasng tác đã trở thành nơi để nuôi dưỡng, hun đúc và phát triển những giá trị đó. Trong thời gian tham gia Trại sáng tác, các hội viên sẽ được hướng dẫn cách chọn lựa đề tài, phương pháp tiếp cận, cấu trúc, xây dựng hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ biểu hiện của tác phẩm… Những kiến thức đó sẽ giúp các hội viên tự tin, hăng say khám phá sáng tạo và định hình phong cách riêng.

Năm 2022, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức Trại sáng tác từ ngày 06/05 đến ngày 13/05 tại thành phố Đà Lạt. Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động trong năm 2022 được thực hiện trong trạng thái bình thường mới sau làn sóng đại dịch Covid -19 lần thứ tư ở nước ta. Đây cũng là đợt hoạt động trại có qui mô lớn với sự lồng ghép hai vấn đề mà chúng ta quan tâm, đó là: Sáng tác kịch bản múa và Công tác lý luận phê bình múa.

Trại sáng tác năm 2022 đã tập trung thực hiện một số vấn đề chuyên môn với các nội dung chính sau đây:

1. Một số vấn đề mang tính lý luận về mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống với sáng tạo nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về : “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 2021.

2. Tính hấp dẫn của tác phẩm múa q ua việc khai thác chiều sâu văn hoá bản địa, vấn đề vận dụng và tiếp thu tính tiên tiến trong sáng tác tác phẩm múa dân tộc.

3. Thành tích và những hạn chế của công tác nghiên cứu lý luận và phê bình múa.

4. Tọa đàm, phân tích, bình luận thông qua một số tác phẩm đạt giải cao tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 đợt 1 tại Hải Phòng.

Điểm mới mang tính sáng tạo của trại sáng tác lần này là các vấn đề nêu trên không thực hiện bằng hình thức thuyết trình mà được thực hiện theo hình thức đàm thoại, tương tác giữa các Trại viên dưới sự dẫn dắt vấn đề của PGS, TS. NSND Ứng Duy Thịnh, TS. NSND Phạm Anh Phương. ThS. NSND Hà Thế Dũng, Ths. Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh. Phương pháp này đã kích thích được sự hứng khởi và tinh thần trách nhiệm của các hội viên tham gia. Đặc biệt, tọa đàm nhấn mạnh “Tính hấp dẫn trong tác phẩm múa”. Mỗi một tác phẩm dù ở bất kỳ thể loại gì cũng cần đến tính hấp dẫn. Tính hấp dẫn từ ý tưởng đến nội dung, từ ngôn ngữ, kết cấu múa đến tạo hình, luật động để thể hiện quan niệm, tư duy, ý nghĩa nhân văn và thông điệp mà tác giả muốn gửi khán giả. Đề tài này được các Trại viên nhiệt tình hưởng ứng và bàn luận sôi nổi vì trong bất kỳ lĩnh vực nào của nghệ thuật múa đều không thể thiếu tính hấp dẫn.

Các nội dung chính trong sinh hoạt chuyên môn thực sự đã góp phần cập nhật, nâng cao kiến thức một số vấn đề chuyên môn nghiệp vụ. Trong lĩnh vực sáng tác, vấn đề “Tính hấp dẫn của tác phẩm múa” được quan tâm, bàn luận sôi nổi từ đề tài, bố cục, ngôn ngữ biểu hiện đến vấn đề xử lý âm nhạc, đạo cụ, thiết kế mỹ thuật sân khấu, trình độ diễn viên.

Về công tác đào tạo, các trại viên nhất quán nhìn nhận vai trò “Người sáng tạo thứ hai của tác phẩm” đồng thời nhấn mạnh: Đào tạo và sáng tác múa là một quá trình phát triển, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu công tác đào tạo diễn viên múa tốt, có chất lượng cao thì chắc chắn cũng sẽ góp phần không nhỏ tới thành công của tác phẩm. Trong quá trình sáng tạo người biên đạo múa thể hiện nội dung tư tưởng, nhân sinh quan, kiến thức về văn hóa, lịch sử, âm nhạc, ngôn ngữ, trang phục và đạo cụ để xây dựng tác phẩm múa. Nhưng tác phẩm múa nếu chỉ dừng ở ý tưởng kịch bản mà không có người diễn viên thể hiện thì ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng, sẽ không có ai biết đến. Người diễn viên chính là linh hồn của tác phẩm múa, là người thổi hồn cho nội dung tư tưởng và hình tượng nghệ thuật của tác phẩm được bay lên, lan tỏa và chạm đến trái tim của khán giả. Chính vì thế mối quan hệ bền chặt, tương tác trong công tác đào tạo diễn viên múa, biên đạo múa là vô cùng quan trọng.

Vấn đề nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận và nhìn nhận vai trò, giá trị của phê bình múa chiếm được sự quan tâm của nhiều Trại viên. Công tác nghiên cứu lý luận và phê bình múa được xác định không chỉ là những nhận định, đánh giá, tổng kết một cách trung thực và khách quan mà hơn thế nữa phải là người đồng hành, người chắp cánh, người định hướng cho các sáng tạo nghệ thuật. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Có lý luận mà không có thực tiễn thì chỉ là lý luận suông, có thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng”.

Phần tọa đàm chuyên môn nghiệp vụ với yêu cầu phân tích, bình luận và đánh giá vấn đề thông qua trình chiếu 03 tác phẩm múa đạt giải thưởng cao tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt I, năm 2021 đã được các hội viên hưởng ứng với những nhận xét khá sắc sảo mang tính xây dựng cao. Bên cạnh đó các hội viên tham dự tọa đàm đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sáng tác, chia sẻ những cảm nhận, những suy tư trong việc xây dựng đề tài, ý tưởng, kết cấu và sử dụng ngôn ngữ múa nhằm tạo nên sự thành công cho tác phẩm múa Việt Nam mang hơi thở thời đại và sắc màu dân tộc.

Trại sáng tác múa tại Đà Lạt tháng 5 năm 2022 đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi Trại viên. Từ mọi miền tổ quốc, ở các lĩnh vực khác nhau của nghệ thuật múa, các Trại viên đều đã thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận và cả những trăn trở, tâm huyết của mình vào ngôi nhà chung, sự nghiệp chung, tất cả đều hướng đến mục đích không ngừng nâng cao chất lượng trong mọi lĩnh vực hoạt động của nghệ thuật múa vì sự nghiệp xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau đây là một số hình ảnh tại Trại sáng tác: