HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




SỬ DỤNG GIÁO TRÌNH “KIẾN THỨC ÂM NHẠC” TRONG ĐÀO TẠO MÚA TẠI CÁC TRƯỜNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

TS Phạm Thanh Giang, khoa Âm nhạc

14/9/2022

Để phát huy được vai trò của âm nhạc trong nghệ thuật múa, đặc biệt là trong đào tạo nghệ thuật múa, môn học Kiến thức âm nhạc đã được các cơ sở đào tạo Văn hóa nghệ thuật(VHNT) rất quan tâm. Kiến thức âm nhạc là môn học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn âm nhạc trong chương trình đào tạo cho ngành múa. Hiện nay trong hệ thống các cơ sở đào tạo VHNT chưa có giáo trình chuyên sâu về “Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa”. Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho Khoa Âm nhạc Học viện Múa Việt Nam chủ trì viết giáo trình đào tạo tài năng Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa. Cuốn giáo trình này được nhóm tác giả thực hiện bằng tâm huyết, sự làm việc nghiêm túc và khoa học với mong muốn sớm đưa giáo trình vào sử dụng trong các nhà trường có đào tạo ngành Diễn viên múa trình độ trung cấp trên phạm vi cả nước.

Để trở thành diễn viên múa, các em học sinh cần được trang bị kiến thức âm nhạc và cảm thụ, phân tích được tác phẩm, các trích đoạn, các đoạn nhạc một cách sâu sắc, cụ thể ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các bài học lý thuyết cần gắn với thực tiễn ứng dụng và biểu diễn của người diễn viên múa. Khác với các giáo trình đào tạo trước đây, Môn Âm nhạc được giảng dạy theo từng phân môn thì nay giáo trình Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa được viết theo phương pháp dạy học tích hợp liên môn âm nhạc gồm: Nhạc lý cơ bản, xướng âm, hình thức âm nhạc. Đây là một hướng đi đang được phát triển phổ biến, được người học yêu thích vì tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cao. Trong mỗi bài học của giáo trình Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa các tác giả lồng ghép những nội dung kiến thức môn học theo tiến trình từ dễ đến khó. Cụ thể, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đọc, nghe, cảm thụ âm nhạc, diễn tả cảm xúc, phân tích trích đoạn, tác phẩm thông qua hướng dẫn của giảng viên trên lớp… Chính nhờ sự kết hợp này sẽ giúp người học chủ động vận dụng các kiến thức và kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến học tập chuyên môn gắn với nghề múa. Người học cần thực hiện đúng chính xác các kỹ năng tiết tấu, kết hợp linh hoạt cùng cao độ và sắc thái âm nhạc. Người học cần có kỹ năng tự vận dụng tổng hợp những kiến thức cơ bản của liên môn âm nhạc để thực hành nghe hiểu, cảm thụ đúng sâu sắc, nội dung, tính chất của tác phẩm âm nhạc, từ đó có thể đồng điệu diễn tả vào các động tác, các tác phẩm múa. Người học dần hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, sưu tầm kết hợp thực tiễn ngành và chuyên ngành được đào tạo chuyên sâu.

Để môn học Âm nhạc không nhàm chán và thực sự có hiệu quả trong giảng dạy, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị nghệ thuật, giáo trình Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa thay đổi để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Người dạy cũng cần thay đổi, sử dụng phương pháp dạy học tích hợp liên môn nhằm rèn luyện kỹ năng nghe, hiểu, nhận biết để thực hành ngay vào những bước chân đầu tiên trên sàn tập. Giáo trình Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa được các trường VHNT đào tạo chuyên ngành múa đưa vào sử dụng. Nhóm tác giả tin tưởng người học sẽ thấy thích thú bởi trong mỗi bài học có cấu trúc rất rõ ràng từ mục tiêu đến nội dung, từ lý thuyết đến thực hành như đọc, nghe, cảm thụ âm nhạc, rèn luyện về tiết tấu, về nhịp rất gần gũi. Giáo trình ghi rất rõ từng mục, từ đơn giản đến nâng cao, từ phân tích các đoạn nhạc đến phân tích các tác phẩm. Đặc biệt, vị trí sắp xếp trình tự dễ hiểu, đơn giản, tạo phản xạ thực hành các câu, các đoạn nhạc mới ngay trong tiết học và áp dụng vào những bài tập chuyên ngành chuyên sâu.

Hy vọng rằng, giáo trình Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa của Học viện Múa Việt Nam sẽ được các trường Văn hóa nghệ thuật có đào tạo múa đón nhận và sử dụng như một hành trang đủ tốt để học sinh có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.