HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




TẢN MẠN VỀ CHUYẾN ĐI THỰC TẾ TẠI LÀO CAI

ThS Trương Thị Ngọc Bích, khoa Diễn viên Múa

19/9/2022

Nhận lời mời của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam v/v tham gia chuyến thâm nhập thực tế tại Lào Cai dành cho các giảng viên múa Dân gian dân tộc và các biên đạo múa đang công tác tại một số đơn vị khu vực miền Bắc từ ngày 15 đến ngày 22/8/2022, các thầy cô của Học viện Múa Việt Nam(HVMVN) góp mặt cùng các nghệ sỹ trong đoàn đi Lào Cai ai nấy đều rất hân hoan, phấn khởi và vui mừng, sẵn sàng chuẩn bị hành trang là xuất phát lên đường. Chiều ngày 15/8/2022, đúng 13h30, xe của cơ quan Hội bắt đầu lăn bánh. Con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai rất thuận tiện, sau 5 tiếng, Đoàn đã tới Lào Cai. Vùng đất Lào Cai hôm nay đã thay da đổi thịt, mọi thứ đều khác, sầm uất và tấp nập hơn xưa, là một điểm đến đầy hấp dẫn và để lại dấu ấn đối với du khách đến nơi đây với nhiều mục đích khác nhau như: đi du lịch, đi công tác hay đi nghiên cứu, sưu tầm…

Trong chuyến thâm nhập thức tế lần này, chúng tôi sưu tầm chất liệu về văn hoá tộc người trong đó có múa của 3 dân tộc Nùng Dín, H’Mông, La Chí. Ngoài ra, chúng tôi còn được đi thăm rất nhiều địa danh có giá trị về lịch sử, văn hoá như cột cờ Lũng Pô, bản Cát Cát, và hoà trong không gian văn hoá chợ Cán Cấu, chợ Bắc Hà…

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là dân tộc Nùng dín tại xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, Lào Cai. Theo truyền thống và tục lệ, mỗi khi có khách tới, người Nùng dín đón tiếp bằng những làn điệu dân ca truyền thống. Theo Nghệ nhân ưu tú Hoàng Xiến Hoà, chủ nhiệm Câu lạc bộ(CLB) hát dân ca thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương cho biết: các làn điệu dân ca Nùng Dín lưu truyền có 4 thể loại chính, gồm hát giao duyên, hát mâm cỗ, hát giao lưu và hát chính sự. Dân tộc Nùng Dín không có chữ viết riêng, nên dân ca được truyền miệng qua các thế hệ. Với ông Hoàng Xiến Hòa, ngay từ khi còn bé, những làn điệu dân ca Nùng Dín đã thấm nhuần vào trong tâm hồn. Ông luôn mang trong mình nỗi trăn trở về sự mai một, thất truyền nét văn hóa này. Ông Hòa tâm sự: "Nhóm Nùng Dín chúng tôi có một kho tàng về dân ca Nùng Dín rất phong phú, rất hay, nếu để mai một thì đó là điều khiến chúng tôi ân hận nhất. Là người vô cùng yêu thích dân ca Nùng Dín, tôi biết rằng gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đừng cho nó hòa tan, mai một là điều quan trọng". Hiện nay, lớp người lớn tuổi thuộc và hát được những làn điệu dân ca cổ đã không còn nhiều, thế hệ trẻ thì ít mặn mà với dân ca. Nếu không sưu tầm, tổ chức và tập hợp những người biết hát đang còn sống thì những làn điệu dân ca sẽ bị mai một dần, có nguy cơ thất truyền, lãng quên. Nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ và bảo tồn dân ca Nùng Dín, ông Hòa kiên nhẫn sưu tầm, ghi chép từng làn điệu dân ca, sau đó vận động, thu hút lớp người cao tuổi và trung niên biết hát dân ca cổ tại địa phương thành lập CLB dân ca Nùng Dín do chính ông làm chủ nhiệm, nhằm mục đích sưu tầm, sáng tác và tiếp tục cải tiến, phát triển sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phục vụ công tác giáo dục cộng đồng.

Đến nay, CLB dân ca Nùng Dín có 18 thành viên, duy trì đều đặn sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Bên cạnh đó, CLB vẫn thường tổ chức các lớp học hát dân ca tại các thôn vào một buổi tối mỗi tuần, số người biết, thuộc dân ca Nùng Dín ngày càng tăng lên. Nếu như trước đây, toàn xã chỉ có 4 thôn có người biết hát dân ca cổ thì đến nay đã có 11/11 thôn có người biết hát dân ca Nùng Dín, những làn điệu dân ca gần như đã bị thất truyền dần được khôi phục. Nói đến văn hóa truyền thống độc đáo của người Nùng Dín không chỉ có dân ca mà còn phải kể đến những nét đẹp cần được lưu giữ và bảo tồn như: nghề làm tranh cắt giấy, trang phục, ẩm thực nổi tiếng với xôi bảy màu…

Nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín huyện Mường Khương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch(VHTTDL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2013. Nghề làm tranh cắt giấy là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và sáng tạo, gắn liền với nghi lễ quan trọng trong chu kỳ vòng đời của mỗi kiếp người. Thông thường, bộ tranh cho một đám tang bao gồm: nhà táng, cây tiền, những bức trướng, ngựa giấy.

Người Nùng Dín ở huyện Mường Khương sống chủ yếu ở tất cả các xã nhưng nhiều nhất ở các xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương. Theo đường liên xã, ngay trong buổi chiều chúng tôi tới xã Tung Chung Phố và được xem màn trình diễn múa ngựa giấy chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Ngựa là con vật quen thuộc không chỉ giúp đồng bào vận chuyển hàng hóa mà còn là con vật thiêng trong tín ngưỡng dân gian của người Nùng Dín, là con vật chuyên chở hàng hóa khi đưa tiễn người quá cố về thế giới bên kia. Trước đây điệu múa được thực hiện trong nghi lễ tang ma với ý nghĩa để tiễn hồn người đã chết về trời.

Bác Lù Phìn Hoà, thôn Văn Len, xã Tung Chung Phố cho biết trước đây nhà nào có đám tang sẽ mời người biết múa đến múa ngựa giấy. Tuy nhiên, bây giờ các đám tang cũng lược bớt thủ tục, thi thoảng mới có gia đình sử dụng điệu múa ngựa giấy này. Ngày nay, điệu múa chỉ còn được bảo tồn qua học đường, việc bảo tồn múa ngựa giấy mang tính chất giải trí cho trẻ em trong xã. Điệu múa ngựa giấy khi múa gồm 14 phần và có 7 động tác như: Ngửi tai nhau, đi giao nhau, ngửi đuôi, cắn chân, đá nhau, cắn miệng, quấn cổ. Khi múa, họ thường đi ngược chiều kim đồng hồ, thực hiện điệu múa là 2 nghệ nhân khoác trên mình con ngựa giấy tự làm, khi múa với số lượng chẵn mà không múa lẻ số người. 2 con ngựa giấy được làm với biểu tượng là ngựa đực khoẻ mạnh, với chùm chuông 10 đến 12 chiếc vòng quanh cổ ngựa. Khi múa phát ra tiếng nhạc nghe rất vui tai như để đệm tiết tấu, âm nhạc cho múa.

Tiếp theo cuộc hành trình, đoàn Hội nghệ sĩ múa Việt Nam được sưu tầm, nghiên cứu múa của tộc người H’Mông đen qua những điệu múa khèn và múa gậy tiền. Để so sánh từ thực tế mắt thấy tai nghe đến công tác đào tạo về hệ thống múa dân tộc H’Mông đang được giảng dạy tại trong Học viện với những phần múa khèn, múa gậy tiền thì hiện nay hệ thống múa của chúng ta, chất liệu không khác đồng bào dân tộc, cả 2 phần múa này đã được chắt lọc và chỉnh lý từ những gì mà các thầy cô trước đây đã tâm huyết đi sưu tầm, nghiên cứu múa của dân tộc H’Mông ở Lào Cai. Tuy nhiên, trong múa khèn, chúng tôi thấy rất thú vị với phần quyền khèn của nghệ nhân ưu tú Lý Seo Phỏng mang đầy tinh thần thượng võ của tộc người H’Mông. Đó là những động tác kỹ thuật xoay người, đá chân, đập chân, đánh chân, vòng khèn qua người, luồn khèn qua chân…Tương truyền, trong đấu tranh bảo vệ thôn bản xưa kia thì khèn, gậy sinh tiền, chuỳ, đao, thương, kiếm… là 1 trong bộ 18 binh khí của người H’Mông sử dụng để chống lại kẻ thù.

Múa khèn là điệu múa dành cho nam, mục đích của chiếc khèn người H’Mông là thổi trong đám ma, từ xưa cho tới giờ họ vẫn sử dụng khèn và khẳng định rằng đám ma nào mà không có khèn thì không phải đám ma người H’Mông, dần dần múa khèn đã trở thành biểu tượng văn hoá của người H’Mông, múa khèn được sử dụng phổ biến trong những ngày vui, lễ hội chung của cộng đồng và trên sân khấu biểu diễn.

Sự độc đáo, hấp dẫn trong múa của người H’Mông còn được thể hiện ở múa gậy sinh tiền, khác với múa khèn dành cho nam thì múa gậy tiền được cả nam và nữ sử dụng. Điệu múa sinh tiền độc đáo được lưu truyền từ đời này sang đời khác, gắn liền với phong tục tập quán của đồng bào, ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng cao. Đây là nét văn hoá độc đáo gắn với sinh hoạt của đồng bào H’Mông qua nhiều thế hệ. Điệu múa đã giúp con người xích lại gần nhau hơn, đem lại không khí đầm ấm, vui tươi cho bản làng vùng cao mỗi khi có lễ hội hay dịp mùa xuân về.

Múa gậy sinh tiền của người H’Mông thường được múa trong các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng. Đây là điệu múa được biểu diễn trước khi bắt đầu các hoạt động khác nên được coi như màn khai hội. Điệu múa dành cho cả nam và nữ, không phân biệt lứa tuổi, nhưng thường thì thanh niên múa nhiều hơn. Khi múa, người múa cầm gậy sinh tiền vừa múa, vừa di chuyển với các động tác khéo léo, để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể ở các điểm như tay, chân, vai, bàn chân…khiến các đồng xu tạo ra những âm thanh vui nhộn mà kỳ bí, góp phần cho các lễ hội thêm tưng bừng. Đạo cụ chính trong điệu múa gậy sinh tiền của đồng bào H’Mông chính là cây gậy. Gậy sinh tiền được làm bằng một đoạn trúc hoặc tre có độ dài từ 1m đến 1,2m, có 3 khấu được đục lỗ để xâu các đồng xu vào, khấu còn lại ở khúc gậy thứ hai, không đục lỗ để người múa cầm khi múa. Trong mỗi phần đục lỗ lại chia làm 3-4 dãy đồng xu, mỗi dãy xâu 2-3 đồng với nhau. Ở hai đầu gậy được buộc thêm túm chỉ sắc màu sặc sỡ để tạo nên sự mềm mại, bắt mắt hơn khi múa gậy sinh tiền.

Hòa trong màn mưa những ngày cuối của chuyến đi thực tế, chúng tôi đến xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà để nghiên cứu, sưu tầm về văn hoá cũng như múa của người La Chí. Trên chặng đường khá gian nan và vất vả này, dường như những cơn mưa không ngăn nổi niềm háo hức của anh chị em trong đoàn, vẫn không ngớt tiếng cười, tiếng nói trên chuyến xe xuyên mưa để đi tìm những điệu múa dân gian đã dần mai một. Con đường quanh co men theo triền núi, uốn lượn gập ghềnh. Những khúc cua khiến chúng tôi phải nhắm mắt cho tim mình khỏi nhảy nhót rồi lại thở phào nhẹ nhõm. Khi cơn mưa qua đi là toàn cảnh núi rừng hùng vĩ như ẩn hiện trong màn sương mờ ảo. Một vài mái nhà nhỏ nép mình bên triền núi, xa xa là bóng dáng của những chàng trai, cô gái mang gùi bước lầm lũi trên thảm xanh của rừng đại ngàn sâu thẳm. Qua con suối nhỏ trước mặt chúng tôi là xã Nậm Khánh với những mái nhà nâu trầm thưa thớt hiện ra. Đón tiếp chúng tôi là 5 nghệ nhân nam dân tộc La Chí, họ đã tới trước đoàn chúng tôi từ khi nào để chào đón đoàn Hội nghệ sĩ múa.

Theo các nghệ nhân cho biết, dân tộc La Chí di cư từ bản Phùng, huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang đến đây từ năm 1968. Ban đầu chỉ có năm đến sáu hộ. Ngày nay phát triển lên đến gần bốn trăm khẩu sinh sống ở 3 thôn bản. Trong đó Nậm Táng là thôn đông nhất. Dân tộc La Chí không có múa mà những nghi lễ của họ chủ yếu là nghi lễ cúng phá kho, mở kho vào tháng ba, tháng bảy; tháng chín họ có lễ mừng cơm mới. Trong nghi lễ họ đọc những bài cúng theo phong tục bản địa. Những nghệ nhân thực hiện cho chúng tôi một màn lễ nhỏ. Trang phục của thầy cúng làm từ vải nhuộm chàm, gam màu trầm của thiên nhiên, núi rừng với nét hoa văn đơn giản, không cầu kỳ và kiểu cách. Họ hát những câu ê a trải dài như mang theo bao tâm tư mong ước. Chúng tôi chợt vươn tầm mắt ra xa nơi lớp lớp những ngọn núi nhấp nhô theo câu hát hoà chung làn mây khói, chợt thấy trong tâm hồn mình có vũ điệu dân gian...

Trong hành trình đi thực tế tại Lào Cai lần này, chúng tôi thật tự hào khi được đặt tay lên cột mốc thiêng liêng và được ngắm “Cột cờ Lũng Pô” sừng sững hiên ngang giữa bầu trời trong xanh của Tổ quốc. Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát, chia đường phân thủy hai nước Việt - Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Cột cờ Lũng Pô đặt tại khu vực Trạm biên phòng Lũng Pô ở xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai), công trình được khởi công xây dựng vào ngày 26-3-2016 và hoàn thành ngày 16-12-2017. Công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự tôn vinh những người lính biên phòng đã chiến đấu và hy sinh anh dũng bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 1979 để hôm nay chúng ta luôn tự hào và thấy được sự thiêng liêng của từng tấc đất quê hương đã lan toả vào tâm thức của người nghệ sĩ qua đợt thực tế, sưu tầm múa tại Lào Cai đầy ý nghĩa. Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100m2, với chiều cao 31,43m - tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m; Tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Pô - lá cờ có diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai; Đường dẫn lên đỉnh cột cờ được thiết kế bởi 125 bậc thang theo hình xoáy ốc. Cột cờ Lũng Pô không chỉ giáo dục lòng tự hào dân tộc mà còn góp phần phát triển du lịch địa phương.

Một ấn tượng khó quên trong đợt đi lần này là hành trình đến với bản Cát Cát, được mệnh danh là ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Bắc, có nền văn hóa độc đáo, kiến trúc đặc trưng truyền thống, khung cảnh thơ mộng hút hồn lữ khách. Ở nơi này, giữa núi rừng đại ngàn, con người và thiên nhiên như hoà vào làm một. Buổi tối, đoàn tham gia đốt lửa trại giao lưu và thưởng thức các món ăn của người bản địa.

Ấn tượng nối tiếp ấn tượng về chuyến đi Lào Cai, trên con đường đi sưu tầm múa, chúng tôi được đi qua 2 trong những địa điểm phải đến ở Tây Bắc đó là chợ Cán Cấu, chợ Bắc Hà là những nơi mà văn hoá bản địa thể hiện thật đậm nét, đặc biệt là chợ Bắc Hà Lào Cai, là 1 trong số ít chợ phiên vùng cao còn giữ nguyên vẹn được bản sắc dân tộc và những nét độc đáo riêng biệt. Nằm trên vùng núi cao và cách thành phố Lào Cai khoảng 75km. Con đường tới Bắc Hà có nhiều trải nghiệm thú vị qua những cung đèo gấp khúc uốn lượn, vực sâu thăm thẳm, đôi lúc sợ đến thót tim,. Để tới chợ, dân bản nơi đây phải dậy từ sáng sớm, thậm chí phải đi từ sáng ngày hôm trước đến gần trưa hôm sau mới đến được chợ. Chợ Bắc Hà chỉ họp duy nhất một ngày chủ nhật trong tuần. Nơi đây không đơn thuần chỉ là phiên chợ mua bán trao đổi hàng hóa, mà nó còn ẩn chứa bao điều tinh túy, những sắc màu văn hóa truyền thống của phong tục người dân bản địa.

Chuyến công tác thực tế, nghiên cứu, sưu tầm văn hoá các dân tộc tại các huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức đã để lại cho chúng tôi, các giảng viên tổ múa Dân gian dân tộc một trải nghiệm vô cùng thú vị, ý nghĩa và thấy tự hào vô cùng vì đất nước Việt Nam mình, văn hoá Việt Nam mình thật đẹp, đặc sắc, độc đáo, vô cùng phong phú và đặc biệt hơn khi chúng tôi được hoà mình vào đoàn đi của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam với những trải nghiệm đầy đủ những cung bậc cảm xúc và cảm thấy vinh dự khi được là những giảng viên góp phần trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Việt Nam.

Từ thẳm sâu trong trái mình, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Ban lãnh đạo Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, và các Anh chị em văn phòng Hội đã rất chu đáo, quan tâm tới các Hội viên trong suốt cuộc hành trình, lo cho hội viên từng bữa ăn, chốn ở; xin chân thành cảm ơn Ban giám đốc HVMVN đã tạo điều kiện tạo điều kiện cho những giảng viên giảng dạy múa dân gian dân tộc của Học Viện tham gia chuyến đi thực tế lần này. Hy vọng rằng với sự quan tâm đó của Ban lãnh đạo Hội và Học viện múa, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội được tham gia những chuyến đi thực tế sưu tầm, nghiên cứu đầy ý nghĩa, hỗ trợ cho công tác giảng dạy và thêm hiểu biết về văn hoá dân tộc các vùng miền trên dải đất hình chữ S yêu thương, tất cả vì sự nghiệp chung vì một nền nghệ thuật múa Việt Nam phát triển cùng đất nước.

Dưới đây là một số hình ảnh chuyến thực tế đi sưu tầm tại Lào Cai