HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN 2022, NHỮNG ĐIỀU ĐỌNG LẠI

ThS. Trịnh Minh Ngọc

21/9/2022

Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là hoạt động thường kỳ được tổ chức hàng năm tại Học viện Múa Việt Nam. Năm nay, khóa tập huấn của khoa Diễn viên múa diễn ra từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 8 năm 2022, được thực hiện với 04 bộ môn: Múa Cổ điển châu Âu (CĐCÂ), Múa Đương đại (ĐĐ), Múa Dân gian dân tộc Việt Nam (DGDT VN) và Múa Tính cách châu Âu (TCCA).

Khóa học được mở đầu bằng chuyên đề “Vai trò của Giải phẫu học trong múa CĐC”của TS Lê Hải Minh đã đề cập đến tầm quan trọng của Giải phẫu học trong giảng dạy múa nói chung và múa CĐC nói riêng. Đó là các vấn đề về hệ xương, cơ và mối quan hệ của chúng với cơ thể con người khi hoạt động nghệ thuật múa. Một trong những vấn đề quan trọng nhất, đặt nền móng cho múa CĐC chính là trọng tâm đã được ThS Đào Phương Duy chia sẻ trong chuyên đề “Trọng tâm trong múa CĐC”. Ngoài ra ThS Đào Phương Duy còn nêu “Sự khác biệt về một số động tác kỹ thuật trong múa CĐC giữa trường phái Nga và trường phái Anh”, điều này đã giúp cho các giảng viên hiểu biết thêm về một động tác trong múa CĐC nhưng mỗi trường phái lại có cách thức thực hiện khác nhau.

ThS, NSƯT Lưu Thị Thu Lan đã có những phần chia sẻ vô cùng bổ ích như: Huấn luyện phần thân trên trong múa CĐCÂ. Qua 06 hình thức “Port de bras” đã cho chúng ta thấy rằng “Port de bras” không chỉ đơn thuần là động tác mà nó đóng vai trò kết nối rất cao giữa thân trên và thân dưới, giữa động tác nọ với động tác kia. Nó là tiếng nói biểu cảm của người diễn viên trong các tư thế múa, là cầu nối giữa các tư thế múa và là một công cụ thăng bằng hữu hiệu. Một trong những phần quan trọng nhất của múa Ballet cổ điển chính là Adagio. Adagio có tính cấu trúc và tính biểu cảm cao. Đây là phần bài tập có mối quan hệ rất lớn với âm nhạc đã đc ThS Lưu Thị Thu Lan phân tích ở các dạng bài tập Adagio.

ThS, NSƯT Lưu Thị Thu Lan cũng đề cập đến cách xử lý tiết tấu trong phần nhảy nhỏ của múa CĐCÂ. Tiết tấu ở đây cần được hiểu là tiết tấu âm nhạc và tiết tấu của động tác múa (bài tập). Nắm vững tiết tấu và giai điệu âm nhạc là một yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn cho bài tập cũng như khả năng điều tiết sức cho học sinh khi thực hiện bài tập.

Buổi cuối cùng của bộ môn múa CĐCÂ đã được TS, NSƯT Trần Văn Hải nêu vấn đề lý luận, trong đó có một số vấn đề vô cùng quan trọng trong múa CĐCÂ như thuật ngữ, hệ thống, quy cách động tác, phong cách múa CĐCÂ và sự phát triển động tác từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, sự khác nhau trên cơ sở khoa học về thể lực, nhận thức, tính biểu cảm và kỹ thuật kỹ xảo khi biên các dạng bài tập dành cho lớp bé, lớp lớn và lớp tốt nghiệp.

Môn múa Tính cách châu Âu do ThS, NGƯT, Đại tá Tạ Kim Thịnh thực hiện với các chất liệu múa Nga, múa Ba Lan và múa Tây Ban Nha. Thông qua các chất liệu, cô trình chiếu một vài video múa Tính cách của nước ngoài giúp cho các học viên hiểu sâu hơn về phong cách, tính chất, đặc điểm múa khác nhau, nhấn mạnh sự thể hiện phong cách là điểm quan trọng nhất trong múa TCCA.

Bộ môn múa Đương đại đã được ThS. Hà Thái Sơn trình bày tổng quan hệ thống các phần bài tập từ các tư thế cơ bản đứng, nằm, các động tác xoay chuyển phương hướng sát mặt sàn cùng các bài tập tại chỗ và di chuyển trong không gian. Tiếp đó là các kỹ thuật từ nhỏ đến lớn, tại chỗ trên mặt sàn đến di động và phần sáng tạo ứng dụng một người, hai người.

Nghệ sĩ Lê Vũ Long chia sẻ khái niệm Improvisation thành ba dạng thức:

- Ngẫu hứng

- Ứng biến

- Ứng tác

Phần thực hành Improvisation với các điểm chạm nhỏ trên cơ thể qua những bài tập chi tiết:

- Nhìn vào một điểm bất kỳ trên cơ thể (gần nhất, xa nhất)

- Điểm đó thở nhẹ, vẽ hình tròn, hình số 8, đường thẳng, hình xoắn ốc…

Cùng những yêu cầu thêm có thể can thiệp như: Kích cỡ to, nhỏ, tốc độ nhanh, chậm. Cái gì, ở đâu, như thế nào? Hai người ngẫu hứng, ứng tác, ứng biến với bóng bay, di chuyển trên làn da chuẩn bị cho contact improvisation (ngẫu hứng tương tác 2 người).

Với kiến thức chuyên sâu về tính ngẫu hứng của nghệ thuật múa Đương đại, Nghệ sĩ Bùi Ngọc Quân giới thiệu về công việc và cách làm việc của mình: Biên đạo múa chính là từng cá nhân, mỗi một người diễn viên chính là biên đạo múa cho chính mình, gợi mở tư duy cho học viên và bước đầu hình thành chuyển động từ những phần nhỏ nhất.

Bộ môn múa DGDT VN qua ba ngày tập huấn dưới sự hướng dẫn và giảng dạy tận tuỵ và tâm huyết, trao truyền của các bậc lão thành tới các thế hệ giảng viên. Tuy không nhiều thời gian nhưng đã đạt được những kiến thức rất hữu ích, thiết thực nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy múa DGDT.

Lớp tập huấn múa DGDT VN rất vinh dự và tự hào khi được NGND Phùng Hồng Quỳ năm nay đã 87 tuổi vẫn say sưa vừa giảng phần lý thuyết kết hợp nhuần nhuyễn với các động tác thực hành. NGND Phùng Hồng Quỳ đã truyền tới các học viên ngọn lửa đam mê trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Việt Nam để người Việt Nam khi ra thế giới luôn tự hào với bản sắc văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình.

NGƯT Nguyễn Mai Hương với nhiều năm sưu tầm và nghiên cứu văn hoá dân gian cũng như nghệ thuật múa vùng Việt Bắc đã bồi dưỡng thêm cho các giảng viên kiến thức về môi trường sản sinh và nguồn gốc các động tác múa dân gian các dân tộc như Tày, Dao, Lô Lô… NGƯT Nguyễn Mai Hương còn đặc biệt nhấn mạnh múa trong tín ngưỡng Then của dân tộc Tày đồng thời chỉ ra những vấn đề còn thiếu và yếu ở một vài lớp tốt nghiệp để giúp các học viên nhận thức và phân biệt rõ hơn về tính chất, phong cách múa dân gian của một số dân tộc.

Trong đợt tập huấn này, khác với việc đi vào chi tiết quy cách các động tác, NGND Phạm Minh Phương cung cấp cho các học viên những vấn đề vĩ mô, mang tính lý luận và khái quát cao được đúc rút trong quá trình giảng dạy múa dân gian dân tộc. Những vấn đề mà NGND Phạm Minh Phương đề cập luôn nóng hổi và được các giảng viên tranh luận rất sôi nổi như phương pháp giảng dạy và xây dựng chương trình tốt nghiệp ở trình độ trung cấp và các vấn đề về xây dựng chương trình, giáo trình hiện nay ở các bậc đào tạo nhằm đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Thông qua Khóa Tập huấn, các học viên tham gia có ý kiến đóng góp như sau:

1. Giải phẫu học cần đưa vào là một môn học cho bậc đào tạo Đại học, đặc biệt là ngành Huấn luyện múa.

2. Thời gian của Khóa tập huấn cần dài hơn để có điều kiện đi sâu hơn vào từng chuyên đề cụ thể.

3, Học viện Múa Việt Nam và các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa cần có sự trao đổi, chia sẻ về Chương trình đào tạo và tập huấn thực hành thường xuyên hơn.

Thành công của khóa “Tập huấn công tác chuyên môn, hè 2022” đã gặt hái được nhiều điều ngoài mong đợi. Sự tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ giảng viên đi trước trao truyền cho thế hệ đi sau; sự chăm chỉ, nhiệt tình của các học viên không chỉ đến để nghe, học hỏi mà còn chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm cũng như những khó khăn khi giảng dạy thực tế. Tất cả được kết nối, được lan tỏa trong sự ấm áp, yêu thương của tình đồng nghiệp và cùng mong đợi hướng tới Khóa tập huấn công tác chuyên môn hè 2023.

Một số hình ảnh tại Khóa tập huấn công tác chuyên môn hè 2023.