HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
















lịch sử

Học viện Múa Việt Nam

63 năm xây dựng và phát triển

TS, NSƯT Trần Văn Hải

Nguyên Q. Giám đốc Học viện Múa Việt Nam

Trên chặng đường 63 năm đồng hành nhịp bước cùng dân tộc, Trường Múa Việt Nam, nay là Học viện Múa Việt Nam đã để lại những dấu ấn vàng son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển.

Năm 1958, nhằm đặt nền móng cho công cuộc xây dựng nền nghệ thuật múa cách mạng chính quy, hiện đại, Bộ Văn hóa đã mở một lớp đào tạo múa chính quy và mời chuyên gia Triều Tiên giảng dạy. Học viên của lớp là những diễn viên, cán bộ sáng tác của các đoàn văn công trung ương, quân đội và địa phương. Nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà quản lý, lãnh đạo ngành Múa sau này; được Nhà nước phong tặng học hàm học vị và các danh hiệu cao quý như các thầy, cô: NSƯT Hoàng Châu, NGƯT Hoàng Điệp, NSND Thái Ly, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSƯT Ngân Quý, NGND Phùng Hồng Quỳ, GS, TS Lê Ngọc Canh, NSND Trịnh Xuân Định và nhiều các thầy cô nữa. Có thể coi đây là lớp học múa chuyên nghiệp đầu tiên, là những người đóng góp nhiều tâm lực, trí lực, đặt nền móng để thành lập Trường Múa Việt Nam - chiếc nôi của ngành Múa Việt Nam, tiền thân của Học viện Múa Việt Nam ngày nay.

Ngày 25/10/1959, nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Trường Múa Việt Nam chính thức được thành lập. Trong hai năm 1960 và 1961, nhà trường đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nghệ sĩ múa chuyên nghiệp cho đất nước.

Những ngày đầu tiên mới thành lập, trong bộn bề gian khó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu nhưng nhà trường luôn đề cao ý chí và tinh thần quyết tâm hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ giao cho là đào tạo nguồn nhân lực ngành Múa chuyên nghiệp cho đất nước, nhằm góp phần đắc lực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia, chỉ trong vòng 5 năm từ 1959 đến 1964, nhà trường đã đào tạo được trên 100 học sinh. Đây thực sự là một nguồn nhân lực quý mà những cống hiến lớn lao của họ cùng các thế hệ sau này đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, học sinh Trường Múa Việt Nam đã vững bước quân hành cùng cả nước lên đường, ra mặt trận phục vụ biểu diễn cho bộ đội trong chiến trường. Trong khí thế cách mạng sôi sục ấy, nhiều tác phẩm múa có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật và nhân văn đã được cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên nhà trường kịp thời phản ánh bằng sáng tạo nghệ thuật để phục vụ đồng bào và chiến sĩ cả nước. Những chiến công ấy đã góp phần không nhỏ trong việc ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng chí, đồng đội, khơi dậy ngọn lửa quyết tâm chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, xứng đáng với câu nói của Bác Hồ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Với 63 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Múa Việt Nam đã đào tạo hơn 100 khóa ở trình độ trung cấp và cao đẳng của các ngành diễn viên múa, biên đạo múa, huấn luyện múa. Từ mái trường thân yêu này, đã có hàng ngàn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã và đang công tác trong các lĩnh vực biểu diễn, sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu, lý luận phê bình trên toàn quốc và nước ngoài… Nhiều người đã thành danh với những chức trách quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước của ngành Văn hóa; nhiều người đã được Đảng, Nhà nước phong tặng những danh hiệu cao quý như: Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú…

Với sáu thập kỉ xây dựng và trưởng thành luôn xứng đáng với danh hiệu “Chiếc nôi của ngành nghệ thuật Múa Việt Nam” - Trường Múa Việt Nam, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, nay là Học viện Múa Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, cùng các giải thưởng văn học nghệ thuật, giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh.

Những giải thưởng, những tấm huy chương cùng những danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam trao tặng cho tập thể cán bộ giáo viên Học viện trong từng chặng đường lịch sử không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp lớn lao của một trung tâm đào tạo có truyền thống và danh tiếng của đất nước, mà hơn thế nữa, là sự tôn vinh các giá trị và các thành quả trong đào tạo nghệ thuật, tôn vinh đẳng cấp của một trường nghệ thuật quốc gia trong quá trình giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế.

Sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đã đặt giáo dục đào tạo vào vị trí nền móng trong sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật của nền kinh tế tri thức. Giáo dục đào tạo ngày nay được xác định không chỉ là mục tiêu và động lực kinh tế mà còn là nền tảng của văn hóa dân tộc. Nghệ thuật là một biểu hiện đỉnh cao của văn hóa. Quá trình đào tạo nghệ thuật nói chung và đào tạo nghệ thuật Múa nói riêng là quá trình kế thừa, chọn lọc, trao truyền nhằm phát huy giá trị của văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật thế giới. Hơn nữa, đào tạo nghệ thuật là đào tạo tinh hoa, vì vậy việc luôn phấn đấu, nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật, phải khoa học hóa công tác đào tạo nghệ thuật là công việc thường xuyên và cần thiết. Đào tạo nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở mức độ thành thạo, mà còn phải tiến tới mức điêu luyện và tinh tế, đó là quá trình đào tạo kiến thức tổng hợp, kỹ năng thực hành, năng lực sáng tạo.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, chúng ta cần tiếp tục phấn đấu đổi mới công tác quản lý, đổi mới chương trình, mục tiêu, phương pháp đào tạo, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên chuẩn về trình độ, đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị và trách nhiệm nghề nghiệp; đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về công tác đào tạo, cử giáo viên và học sinh sinh viên xuất sắc đi học tập tại các nước phát triển nghệ thuật múa để nghiên cứu các phương pháp đào tạo hiện đại, áp dụng vào chương trình đào tạo trong nhà trường; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Học viện Múa Việt Nam được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa dạng ở các bậc đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học với các hình thức chính quy, liên thông, liên kết; phát huy đào tạo tinh hoa ở các ngành mũi nhọn mang thế mạnh, tiềm năng của Học viện; triển khai mạnh mẽ hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Học viện chú ý tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ múa tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chuẩn hóa trình độ đào tạo bậc đại học, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ cán bộ nghệ sĩ múa Việt Nam; khắc phục sự thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng, sự mất cân đối trong quy mô, độ tuổi, trình độ và cơ cấu vùng miền… Học viện Múa Việt Nam sẽ là nơi kết hợp đào tạo tinh hoa với đại trà, lý thuyết tổng hợp với kỹ năng thực hành chuyên sâu, nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn, thực hành nhằm phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật múa có trình độ đại học của các ngành Diễn viên múa, Biên đạo múa, Huấn luyện múa và những ngành liên quan đến nghệ thuật múa.

Song song với những vấn đề trên, Học viện tiếp tục phấn đấu nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh sinh viên để các thế hệ hôm nay, ngày mai mãi mãi tự hào tôn vinh và ngợi ca những cống hiến lớn lao, những sáng tạo nghệ thuật vô giá của các thế hệ đi trước.

Với tinh thần đoàn kết, yêu nghề, đổi mới, sáng tạo, phát huy truyền thống hướng tới tương lai, Học viện Múa Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tích mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo đội ngũ nghệ sĩ múa, góp phần xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

NHỮNG MỐC THỜI GIAN CHÍNH

Logo Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (2001-2019)

Ca khúc truyền thống Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (2001-2019)

Logo Học viện Múa Việt Nam (2019-nay)

Ca khúc truyền thống Học viện Múa Việt Nam (2019-nay)

Phim tư liệu 60 NĂM HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM (1959-2019)