HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM
Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
Chuyên ngành Biên đạo múa sự kiện
Chuyên ngành: Biên đạo múa sự kiện
Mã chuyên ngành: 7210243BS
Thuộc ngành đào tạo: Biên đạo múa (Choreography)
Mã ngành: 7210243
Trình độ đào tạo: Đại học
Loại hình đào tạo: Chính quy
Thời gian đào tạo: 04 năm
1. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
1.1. Mục tiêu chung
Chương trình đào tạo ngành Biên đạo múa sự kiện trình độ Đại học nhằm đào tạo Cử nhân Biên đạo múa sự kiện, đáp ứng nhu cầu về Biên đạo múa hoạt động trong môi trường nghệ thuật quần chúng, sự kiện văn hóa và sự nghiệp phát triển nền Nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
1.2. Mục tiêu cụ thể
1.2.1. Phẩm chất đạo đức
Có đạo đức và nếp sống lành mạnh, say mề nghề nghiệp, có lập trường chính trị tư tưởng đúng đắn, khách quan khi thực hiện chuyên môn nghiệp vụ; Nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực Sự kiện Văn hóa-Nghệ thuật.
Có ý thức tổ chức lao động, chấp hành nội quy, quy chế, quy định của đơn vị sử dụng nhân lực; có trách nhiệm công dân đối với xã hội, có ý thức cộng đồng.
Có thái độ cầu thị, học hỏi nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp.
Có ý thức cập nhật kiến thức, sáng tạo trong công việc.
1.2.2. Kiến thức
1.2.2.1: Kiến thức chuyên môn
Khối kiến thức giáo dục đại cương, gồm: 34 tín chỉ (28 tín chỉ kiến thức bắt buộc, 06 tín chỉ kiến thức tự chọn); 03 tín chỉ Giáo dục thể chất; 08 tín chỉ Giáo dục quốc phòng-an ninh.
Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, gồm: 59 tín chỉ (56 tín chỉ Kiến thức bắt buộc, 03 tín chỉ kiến thức tự chọn); 33 tín chỉ Kiến thức ngành; 02 tín chỉ chuyên đề; 03 tín chỉ Thực tập nghề nghiệp; 04 tín chỉ Khóa luận, Thi Tốt nghiệp.
a. Kiến thức cơ sở ngành
Những kiến thức về: Lịch sử sân khấu; Lịch sử nghệ thuật múa; Phân tích tác phẩm múa; Kiến thức âm nhạc; Nghệ thuật chiếu sáng; Quản lý sự kiện văn hóa… trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở cần thiết, cốt lõi nhằm tạo nền tảng cơ bản và toàn diện về nghệ thuật múa và các nghệ thuật khác bổ trợ cho múa; Hiểu biết cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của các thành phần tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm múa: Nắm vững hệ thống, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các sự kiện văn hóa.
Trang bị cho sinh viên những kiến thức về lý thuyết và thực hành một cách có hệ thống, toàn diện về hệ thống động tác, ngôn ngữ động tác, tính chất, phong cách, nét văn hoá đặc trưng của Khiêu vũ thể thao; Múa đương đại; Múa cổ điển châu u; Múa dân gian dân tộc Việt Nam; Múa truyền thống Việt Nam; Kỹ thuật múa đôi; Múa tính cách nước ngoài.
b. Kiến thức ngành:
Mục tiêu về kiến thức chuyên sâu của Biên đạo múa sự kiện là sáng tác ra các tác phẩm múa phục vụ cho các sự kiện văn hóa xã hội, nghệ thuật quần chúng, hội diễn không chuyên; Phương pháp tiếp cận với các thể loại, đề tài, hình thức múa bằng các kiến thức chuyên sâu về: Kết cấu múa nước ngoài; Kết cấu múa dân gian dân tộc Việt Nam; Nghệ thuật biên đạo múa.
1.2.2.2. Năng lực nghề nghiệp
Nắm vững các phương pháp sáng tác, các cấu trúc xây dựng tác phẩm từ ít người đến đông người, từ kết cấu hình thức và nội dung múa solo, duo, trio đến tác phẩm múa tập thể.
Múa minh họa, phụ họa, đạo diễn các chương trình sự kiện văn hóa lễ hội.
Nắm vững các phương pháp và có đủ kiến thức thực tế chuyên ngành để thực hành nghề nghiệp, có thể giải quyết các công việc liên quan đến lĩnh vực biên đạo, nghiên cứu, lý luận phê bình múa.
Có khả năng độc lập trong việc sáng tạo, thể nghiệm các hình thức nghệ thuật, phương thức thể hiện mới áp dụng vào nghệ thuật múa. Có khả năng tự học tập, tự tìm hiểu, quan sát những vấn đề liên quan đến chuyên ngành được đào tạo.
1.2.3. Kỹ năng
Nắm vững các kỹ năng, phương pháp sáng tạo, tiếp cận đề tài, xây dựng ý tưởng phù hợp với các loại hình, hình thức, thể loại: phụ họa, minh họa, dàn dựng chương trình, tiết mục múa độc lập đáp ứng nhu cầu của xã hội và các sự kiện văn hóa.
1.2.3.1. Kỹ năng cứng
Kỹ năng chuyên môn: Nắm vững phương pháp có hệ thống, quy trình thực hiện và các kiến thức chuyên ngành để thực hiện biên đạo tác phẩm múa: Phương pháp kết cấu; Phương pháp sáng tác; Phương pháp viết kịch bản múa, kịch bản sự kiện; Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật.
Năng lực thực hành nghề nghiệp: Có năng lực tham gia vào dàn dựng các chương trình nghệ thuật, sự kiện, lễ hội. Nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp; có khả năng chịu được áp lực công việc cao. Có thể thực hiện tốt công việc trong nhiều vai trò khác nhau về Văn hóa, nghệ thuật..
Nghiên cứu khoa học: Có phương pháp và khả năng tư duy, tìm hiểu, sáng tạo những cách thể hiện mới trong biên đạo tác phẩm múa; múa minh họa và múa phụ họa, dàn dựng tiểu phẩm, đạo diễn Sự kiện lễ hội.
Phân tích và xử lý thông tin: Có khả năng tư duy, tìm kiếm, chứng minh, tổng hợp các sự kiện trong xã hội, các thông tin liên quan đến ngành; phân tích và xử lý thông tin để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành được đào tạo.
1.2.3.2. Kỹ năng mềm
Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình: Có những kỹ năng cơ bản về lập báo cáo bằng các phương tiện khác nhau; thuyết trình, giải thích và thuyết phục người khác về những nội dung, giải pháp để thực hiện các ý tưởng trong lĩnh vực chuyên ngành.
Kỹ năng làm việc theo nhóm: Biết cách tổ chức, quản lý, phối hợp, tôn trọng và lắng nghe các thành viên khác trong nhóm; biết cách sắp xếp thời gian làm việc khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.
Có kỹ năng hoàn thành công việc đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành biên đạo múa trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau.
Có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực biên đạo múa.
Khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học: Có khả năng sử dụng tốt tiếng Anh trong giao tiếp và tham khảo, nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành. Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng và một số phần mềm chuyên dụng xử lý âm nhạc, thiết kế ánh sáng.
1.2.4. Thái độ
Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan đến lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Phẩm chất đạo đức tốt, tính kỷ luật cao, dễ hòa nhập với môi trường làm việc. Hiểu biết về các giá trị đạo đức nghề nghiệp.
Ý thức được sự cần thiết phải thường xuyên rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ, tích cực, chủ động, sáng tạo trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
1.2.5. Vị trí làm việc sau tốt nghiệp
Đảm nhận công việc biên đạo múa sự kiện ở các trung tâm văn hóa, đơn vị doanh nghiệp chuyên về sự kiện văn hóa, công ty tổ chức sự kiện, đơn vị nghệ thuật bán chuyên nghiệp; Quản lý tổ chức các dự án thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự kiện, lễ hội.
2. CHUẨN ĐẦU RA
2.1. Kiến thức
Ngoài các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng an ninh theo qui định hiện hành và đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, người học sau khi tốt nghiệp trình độ giáo dục đại học ngành Biên đạo múa phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu sau đây:
Có kiến thức lý thuyết và thực hành chuyên sâu về nghệ thuật biên đạo múa sự kiện, phương pháp kết cấu tác phẩm múa.
Nắm vững các phương pháp và có đủ kiến thức thực tế chuyên ngành để thực hành nghề nghiệp, có thể giải quyết các công việc liên quan đến lĩnh vực biên đạo, nghiên cứu, lý luận phê bình múa.
Có kiến thức cơ bản về lịch sử nghệ thuật múa, phân tích tác phẩm múa, phân tích tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật chiếu sáng để bổ trợ cho công việc sáng tác múa.
Có kiến thức ngoại ngữ để giao tiếp và nghiên cứu tài liệu tham khảo thuộc ngành Biên đạo múa.
Tích lũy được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các qui luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực múa để phát triển kiến thức mới; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở trình độ cao hơn.
Sinh viên tốt nghiệp nếu được bổ sung kiến thức và nghiệp vụ sư phạm có khả năng giảng dạy các bộ môn chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo múa.
2.2. Kỹ năng
2.2.1. Kỹ năng cứng
Có kỹ năng phương pháp sáng tác múa.
Có kỹ năng phương pháp kết cấu các loại hình múa.
Có kỹ năng phương pháp viết kịch bản múa.
Có kỹ năng phương pháp đạo diễn các chương trình nghệ thuật; Quản lý tổ chức sự kiện, lễ hội.
Có kỹ năng thực hành nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
2.2.2. Kỹ năng mềm
Có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.
Có kỹ năng trao đổi, chia sẻ, hợp tác các thành viên khi làm việc theo nhóm trong hoạt động múa.
Có kỹ năng phổ biến, quảng bá, giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Có kỹ năng hoàn thành công việc đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành biên đạo múa sự kiện trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau.
Có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực biên đạo múa.
Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể giao tiếp, hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đền ngành Biên đạo múa sự kiện.
Có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường.
2.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
Nắm vững các phương pháp sáng tác, các cấu trúc xây dựng tác phẩm từ ít người đến đông người, từ kết cấu hình thức và nội dung múa solo, duo, trio đến tác phẩm múa tập thể.
Múa minh họa, phụ họa, đạo diễn các chương trình sự kiện, lễ hội.
Nắm vững các phương pháp sáng tác theo nhu cầu xã hội, như chương trình ca múa nhạc, nghệ thuật quần chúng, sự kiện văn hóa lễ hội.
Có khả năng đưa ra được kết luận, đánh giá, cải tiến về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường.
Có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể.
Có khả năng độc lập trong việc sáng tạo, thể nghiệm các hình thức nghệ thuật, phương thức thể hiện mới áp dụng vào nghệ thuật múa trong các sự kiện văn hóa cụ thể.
Có khả năng tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, tự tìm hiểu, quan sát những vấn đề liên quan đến chuyên ngành được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
2.4. Cơ hội nghề nghiệp
Đảm nhận công việc biên đạo múa ở các cơ sở, các Trung tâm Văn hóa xã, huyện, thành phố, các công ty tổ chức sự kiện – lễ hội văn hóa, ngành cần hạt nhân Văn nghệ, các trường PTCS, PTTH... Các đoàn nghệ thuật bán chuyên đến chuyên nghiệp của địa phương.
Tổ chức các dự án thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự kiện, lễ hội.
Có thể tham gia vào công tác giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, trung học phổ thông...
2.5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
Sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Biên đạo múa sự kiện, sinh viên có thể đăng ký tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Có đủ trình độ và khả năng chuyển đổi sang học các ngành gần như Huấn luyện múa, Diễn viên múa, Quản lý văn hóa – nghệ thuật…
Tham gia các khoá học ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngành được Đào tạo.
2.6. Các chương trình, tài liệu tham khảo
Chương trình khung ngành Biên đạo múa, ban hành kèm theo Quyết định số 03/2009/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 02 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sử dụng các tài liệu của ngành Múa Việt Nam.
Sử dụng các tài liệu về Nghệ thuật múa của Nga, Anh, Đức, Úc...
3. KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TOÀN KHÓA
Toàn bộ khối lượng Chương trình đào tạo ngành Biên đạo múa sự kiện sẽ được tổ chức thực hiện trong 4 năm (phân bổ trong 8 học kỳ). Gồm có: 135 tín chỉ (2955 tiết), chưa kể phần nội dung Giáo dục thể chất (3 tín chỉ) và Giáo dục quốc phòng-an ninh (8 tín chỉ).
4. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH
Công dân Việt Nam đã có bằng tốt nghiệp THPT, THBT (Trung tâm giáo dục thường xuyên); có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật; có đủ sức khỏe học tập, không ở thời kỳ bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự hay truy tố trong thời gian thi hành án.
5. QUY TRÌNH ĐÀO TẠO, ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP
5.1. Quy trình đào tạo
Chương trình đào tạo được thực hiện trong 04 năm gồm 08 học kỳ, trong đó 07 học kỳ tích lũy kiến thức tại Học viện, 01 học kỳ thực tập nghề nghiệp, làm Tiểu luận tốt nghiệp và thi tốt nghiệp.
5.2. Điều kiện tốt nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học.
6. CÁCH THỨC ĐÁNH GIÁ
6.1. Phương pháp đánh giá học phần
Đánh giá và tính điểm học phần thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo đại học.
Hình thức thi: Thực hành, Tự luận, Trắc nghiệm, Vấn đáp.
Nội dung thi: Bao gồm toàn bộ phần nội dung của học phần.
Đánh giá: Thang điểm 10 điểm (Căn cứ vào quy chế đạo tạo của Học viện sẽ quy đổi sang thang điểm chữ và thang điểm 4 để phục vụ cho việc xếp loại trung bình học kỳ)
+ Kiểm tra – đánh giá quá trình: Đối với học phần nhỏ hơn 2 tín chỉ có một điểm đánh giá trọng số 40%. Đối với học phần lớn hơn 2 tín chỉ có hai điểm đánh giá trong đó điểm đánh giá nhận thức, thái độ tham gia thảo luận, bài tập, thực hành (hoặc tự học, tự nghiên cứu) trọng số 10% và điểm đánh giá giữa kỳ trọng số 30%
+ Điểm thi kết thúc: 60%.
6.2. Đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học
Đánh giá và tính điểm học phần thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế đào tạo đại học.
Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kỳ hoặc sau từng năm học, dựa trên kết quả các học phần nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo mà sinh viên đã học và có điểm theo các tiêu chí sau đây:
a) Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên không đạt trong một học kỳ, trong một năm học, hoặc nợ đọng từ đầu khoá học;
b) Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên đã đạt từ đầu khóa học (số tín chỉ tích lũy), tính cả các học phần được miễn học, được công nhận tín chỉ; c) Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kỳ (điểm trung bình học kỳ), trong một năm học (điểm trung bình năm học) hoặc tính từ đầu khóa học (điểm trung bình tích lũy), tính theo điểm chính thức của học phần và trọng số là số tín chỉ của học phần đó.
7. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
A. Kiến thức giáo dục đại cương
I. Kiến thức giáo dục đại cương bắt buộc
ĐC0301: Triết học Mác Lênin
ĐC0202: Kinh tế chính trị Mác Lênin
ĐC0203: Chủ nghĩa xã hội khoa học
ĐC0204: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
ĐC0205: Tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐC0206: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam
ĐC0207: Pháp luật đại cương
ĐC0308: Cơ sở văn hóa Việt Nam
ĐC0309.1: Ngoại ngữ (Tiếng Anh 1)
ĐC0409.2: Ngoại ngữ (Tiếng Anh 2)
ĐC0310: Tin học đại cương
GDTC: Giáo dục thể chất
QPAN: Giáo dục quốc phòng an ninh
II. Kiến thức giáo dục đại cương tự chọn
ĐC1351: Mĩ học đại cương
ĐC1352: Lịch sử văn học
ĐC1353: Lịch sử văn minh thế giới
B. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
I. Kiến thức cơ sở ngành
1. Kiến thức cơ sở ngành bắt buộc
CS0301: Lịch sử sân khấu
CS0402: Lịch sử nghệ thuật múa
CS0303: Phân tích tác phẩm múa
CS0504: Kiến thức âm nhạc
CS0206: Nghệ thuật chiếu sáng
CS0208: Quản lý sự kiện văn hóa
CS0209: Khiêu vũ thể thao
CS0310.1: Múa đương đại 1
CS0310.2: Múa đương đại 2
CS0310.3: Múa đương đại 3
CS0311.1: Múa cổ điển châu Âu 1
CS0311.2: Múa cổ điển châu Âu 2
CS0311.3: Múa cổ điển châu Âu 3
CS0312.1: Múa dân gian dân tộc Việt Nam 1
CS0312.2: Múa dân gian dân tộc Việt Nam 2
CS0312.3: Múa dân gian dân tộc Việt Nam 3
CS0313.1: Múa truyền thống Việt Nam 1
CS0313.2: Múa truyền thống Việt Nam 2
2. Kiến thức cơ sở ngành tự chọn
CS0351: Kỹ thuật múa đôi
CS0352: Múa tính cách nước ngoài
II. Kiến thức ngành
BS0301.1: Kết cấu múa nước ngoài 1
BS0301.2: Kết cấu múa nước ngoài 2
BS0301.3: Kết cấu múa nước ngoài 3
BS0401.4: Kết cấu múa nước ngoài 4
BS0302.1: Kết cấu múa dân gian dân tộc Việt Nam 1
BS0302.2: Kết cấu múa dân gian dân tộc Việt Nam 2
BS0402.3: Kết cấu múa dân gian dân tộc Việt Nam 3
BS0303.1: Nghệ thuật biên đạo múa 1
BS0303.2: Nghệ thuật biên đạo múa 2
BS0403.3: Nghệ thuật biên đạo múa 3
III. Chuyên đề
CĐ0101: Chuyên đề 1
CĐ1102: Chuyên đề 2
Theo dõi fanpage Tuyển sinh Học viện Múa Việt Nam (https://www.facebook.com/tshvmvn) hoặc trang Tuyển sinh để cập nhật thông tin tuyển sinh
ngành đào tạo
TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP