HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Hà Trung - Người đem múa về bản

12/08/2023

Phương Lan


Gặp Hà Trung trong một chuyến đi thực tế tại Lào Cai, tôi bị ấn tượng bởi chàng trai người Thái với khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, thái độ khiêm nhường, song khi nói về múa lại hết sức say mê như chất chứa biết bao khát vọng.

Tình yêu với múa

Tuổi thơ của Trung được hòa mình trong cái nôi của vùng văn hóa Thái giàu bản sắc, nơi có điệu Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể, nơi có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc - Than Uyên, Lai Châu. Những nét đẹp văn hóa, cái chất nghệ của thiên nhiên cứ thế mà ngấm vào máu thịt Hà Trung tự nhiên như hơi thở núi đồi, khiến Trung luôn trân quý và khát khao được góp sức mình cho di sản quê hương.

Lên lớp 6, Hà Trung trúng tuyển vào lớp Trung cấp múa K20/4 Lào Cai, hệ đào tạo liên kết của Trường Cao đẳng múa Việt Nam (nay là Học viện múa Việt Nam). Cậu bé người dân tộc chưa một lần đứng trên sân khấu đã quyết tâm theo đuổi chuyên ngành Múa Cổ điển châu Âu – một môn nghệ thuật đỉnh cao chỉ vì trót yêu vẻ đẹp sang trọng, quý phái của Ballet. May mắn cho Hà Trung là anh được học các thầy cô giàu kinh nghiệm và vô cùng tâm huyết như cố NGND Vũ Dương Dũng và NGƯT Trịnh Quốc Minh giảng dạy. Ở họ, Trung không chỉ học được chuyên môn sâu, phương pháp khoa học mà cả những bài học đạo đức khi làm nghề.

Quá trình theo đuổi nghệ thuật múa của Hà Trung kéo dài từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và nó diễn ra chẳng dễ dàng, cũng gập gềnh, khúc khuỷu như những nẻo đường đồi dẫn bước tới trường. Trung hiểu được những thiệt thòi của học sinh dân tộc vùng cao, do phải leo núi, làm nương rẫy từ nhỏ nên đặc trưng nhân chủng học thấp bé, điều kiện về thể hình như bắp chân, bắp tay to, thô, độ dẻo, độ mở hạn chế,là những tiền đề không thuận lợi cho học múa, đặc biệt là môn múa Cổ điển châu Âu. Thế nhưng khát vọng được học, được cống hiến cho nghệ thuật khiến Trung chưa một phút giây nản lòng. Cứ như thế tình yêu với múa trong anh lớn dần lên, Trung cảm nhận được vẻ đẹp của múa trong từng động tác, trong từng hơi thở và vươn lên đứng đầu lớp. Tới khi học liên thông lên đại học chuyên ngành Huấn luyện múa tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, Trung hiểu sâu sắc rằng mình sinh ra là để dành cho múa. Anh nhìn và ngưỡng vọng những người thầy của mình, mong muốn được gìn giữ và truyền lửa đam mê cho các em học sinh vùng cao giống như các thầy đã nâng bước cho mình.

Viết tiếp ước mơ

Tốt nghiệp loại xuất sắc, Hà Trung được Trường Văn hóa, Nghệ thuật & Du lịch tỉnh Lào Cai giữ lại làm giảng viên. Anh vô cùng hạnh phúc khi được là một trong ba giảng viên múa đầu tiên của tỉnh. Gạt đi những khó khăn của bước đầu gây dựng với 2 lần sáp nhập và 3 lần di chuyển trụ sở giảng dạy trong vòng 10 năm, Trung vui mừng thông báo, đến nay bộ môn múa đã ổn định và là 1 trong 5 chuyên ngành đào tạo của Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai. 

Những điều thầy cô truyền giảng trong suốt quá trình dài học tập, luyện rèn, giờ đây Trung cũng lại “rút ruột nhả tơ” giống như các bậc tiền bối của mình. Những giờ lên lớp về chuyên môn luôn được anh lồng ghép với bài giảng về đạo đức khi làm nghề, những mong truyền cảm hứng cho các em về bộ môn vừa khó, vừa khổ, nhưng rất đỗi tự hào. Trung chia sẻ: “Ngoài ra vấn đề về tâm lý thì phong tục tập quán của vùng cao cũng là một rào cản lớn trong công tác đào tạo nghệ thuật múa. Học sinh thường thiếu kiên trì, xây dựng gia đình sớm và nhiều em bỏ học giữa chừng, theo bạn bè rủ đi làm kiếm tiền ở vùng biên giới. Cũng vì thế mà công tác tuyển sinh hàng năm gặp nhiều khó khăn khi số lượng tuyển được khá nhiều nhưng số lượng các em theo học và kiên trì học thì ít. Do vậy yêu cầu lựa chọn đầu vào của Khoa không thể đặt lên quá cao. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của Trường.”

Nhìn những giọt mồ hơi rơi thấm đẫm sàn tập, sự kiên trì bám sàn của học sinh vùng núi còn thiếu ăn, thiếu mặc, ký ức lại như ùa về. Hơn ai hết Trung hiểu và đồng cảm với nỗi vất vả ít ai thấy đó. Những khó khăn về cơ sở vật chất, sàn, thảm, gương, gióng không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, những bất cập về khung chương trình đào, về việc thiếu giảng viên dạy múa,… là những nhọc nhằn trước mắt mà cả thầy và trò phải cố gắng vượt qua. Hạt mầm tình yêu dành cho múa luôn được anh và các thầy cô trong khoa thay nhau “vun trồng” để các em có cơ hội viết tiếp ước mơ dang dở của cha mẹ thay vì làm rẫy, làm thuê và dựng vợ, gả chồng trong cái đói nghèo. Để bù đắp cho các em, thầy giáo Hà Trung dồn hết tình cảm vào những tiết học chất lượng, hiệu quả, những bài giảng với chuẩn mực trong hướng dẫn động tác, dáng múa, những tổ hợp biên bài lôgíc, kết cấu động tác chặt chẽ.

Yêu múa, thương trò và mong muốn kết hợp giữa văn hóa và ẩm thực, Trung mạnh dạn mở nhà hàng Thái bông ban xanh – một nhà hàng tựa như ngôi nhà sàn mang phong cách Thái, trang trí bằng những nét đẹp của hoa văn thổ cẩm đầu rèm, bằng những vật dụng thân quen trong văn hóa Thái. Những món ăn ngon đậm vị dân tộc Thái được bày biện đẹp mắt kết hợp với những tiết mục múa dân gian dân tộc Thái như múa nón, múa khăn, múa đàn, múa ống, múa hoa, điệu xòe vòng kết đoàn…do các em sinh viên Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai biểu diễn là điểm nhấn ấn tượng giữ chân du khách. Hạnh phúc khi được mang hương vị quê hương Lai Châu tới với quê hương thứ hai lào Cai, song hạnh phúc hơn cả là Trung thấy mình đã tạo ra giá trị cho cộng đồng, giúp sinh viên của mình có nơi thực hành múa và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình, lớn hơn nữa là giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Với vai trò của là Trưởng bộ môn, Phó Khoa phụ trách chuyên ngành Múa, Hà Trung luôn tìm cách tháo gỡ, khắc phục những khó khăn mà chuyên ngành của mình đang đảm nhiệm; Chủ động điều chỉnh chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với năng lực và đối tượng người học; Chủ động xây dựng kế hoạch mang tính chiến lược trong tuyển sinh nhằm tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo. Mục tiêu của của Khoa hướng tới là xây dựng mã ngành đào tạo Cao đẳng diễn viên múa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng diễn viên múa của nhà tuyển dụng trong tỉnh và đủ chất lượng để liên thông đào tạo Đại học diễn viên múa với các trường đầu ngành ở Trung Ương. 

Chẳng những trong công tác đào tạo mà lĩnh vực dàn dựng Trung cũng dốc sức, hết lòng. Các tác phẩm được anh khai thác từ chất liệu múa của các dân tộc ở Lào Cai, Lai Châu luôn được khán giả đón nhận tích cực. Chất liệu phong phú, kết cấu chặt chẽ, ý tưởng độc đáo và đặc biệt là thổi được cái hồn dân tộc vào đó khiến Trung được giới chuyên môn đánh giá cao. Chặng đường dài Trung dành cho nghệ thuật múa quả thực lắm gian nan song cũng vô vàn niềm hạnh phúc và kỷ niệm rất đáng trân quý.  Học sinh kính nể thầy bởi tài năng, nhân cách, đồng nghiệp yêu quý Hà Trung bởi tấm lòng, sự tâm huyết với nghề. Những giải thưởng: Giải Nhì tại Hội thi giáo viên dạy giỏi Trung cấp chuyên nghiệp cấp tỉnh; Giải Ba danh hiệu giáo viên dạy giỏi Trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ X, những bằng khen, giấy khen, huy chương từ Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và của các tỉnh… là nguồn động viên, khích lệ rất lớn để Trung đem múa về bản, viết tiếp ước mơ cho các em nhỏ vùng cao.