HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn chào mừng 65 năm Ngày truyền thống  Học viện Múa Việt Nam (25/10/1959 – 25/10/2024)

28/10/2024

ThS. Trịnh Thị Hồng Hạnh


Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống Học viện Múa Việt Nam (25/10/1959 – 25/10/2024), Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn, ôn lại quá trình thành lập và phát triển trong 65 năm qua của Khoa và định hướng phát triển trong thời gian tới. Tham dự buổi sinh hoạt có toàn thể giảng viên Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản(VHKTCB) và khách mời là TS. Phạm Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng.

Tại buổi sinh hoạt chuyên môn, các giảng viên và khách mời đã xem video giới thiệu tổng quan quá trình hoạt động và những thành tích đạt được của Khoa văn hóa và Kiến thức cơ bản. Tháng 10/1959, Tổ Văn hóa được thành lập cùng với thời gian thành lập Trường Múa Việt Nam. Năm 2001, Trường Múa Việt Nam được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Tổ Văn hóa cũng được nâng cấp lên thành Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản và sử dụng tên gọi đó cho đến nay. Khi Trường Cao đẳng Múa Việt Nam được nâng cấp lên thành Học viện Múa Việt Nam vào tháng 01/2019, quy mô và tên gọi của Khoa không có sự thay đổi. Khoa tiếp tục đảm nhiệm công việc giảng dạy và mời giảng viên công tác giảng dạy các môn văn hóa trình độ Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung cấp và Đại học. 

Các thành viên tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn

ThS Lê Thị Ánh Tuyết - Trưởng Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản - đã tiến hành thảo luận với chủ đề: “Chia sẻ định hướng giáo dục đối với giảng dạy văn hóa phổ thông tại Học viện Múa Việt Nam thời gian tới”. Cũng trong buổi sinh hoạt, Khoa Văn hóa đã triển khai các hoạt động chuyên môn năm học 2024 – 2025 với các giải pháp trọng tâm: Thực hiện hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018 toàn cấp học; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong quản lí và các hoạt động giáo dục; công tác chuyên môn tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả với nhiều giải pháp đổi mới phù hợp với thực tế và phù hợp với đánh giá xếp loại học sinh theo Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đẩy mạnh dạy tích hợp STEAM giữa các môn học trong các hoạt động dạy và học; xây dựng nề nếp kỉ cương văn hóa nhà trường: Ban hành và thực hiện nội quy, quy định, quy chế, tôn trọng lắng nghe và thấu hiểu, đặc biệt “Xây dựng nét đẹp văn hóa trong giao tiếp ứng xử cho giáo viên và học sinh” (Học sinh rèn nếp chào hỏi và không nói tục, chửi bậy); phối hợp với phòng Công tác HSSV và Thư viện tổ chức hoạt động trải nghiệm, giao lưu cho học sinh; đặc biệt quan tâm công tác dạy và học các lớp cuối cấp; nâng cao hiệu quả giáo dục kĩ năng sống, công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh; đẩy mạnh việc dạy và học  lớp 12 thi Tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018; quan tâm đặc biệt đến bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên chuyên môn, quan tâm đến sự ghi nhận, động viên, khích lệ các giảng viên có thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

ThS Lê Thị Ánh Tuyết trình bày ý kiến thảo luận

ThS. Cao Thị Phương Nhung – Phó Trưởng Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản - triển khai thảo luận với chủ đề: “ Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản với công tác nghiên cứu khoa học”. Trong 65 năm qua, cùng với sự hình thành và phát triển của Học viện Múa Việt Nam, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) được coi là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng bắt buộc đối với giảng viên và rất được các thầy, cô Khoa VHKTCB quan tâm thực hiện. Đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, từ 2014 đến 2024, các hoạt động NCKH mà thầy cô trong khoa VHKTCB đã thực hiện như: Tham gia tổ biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo tài năng cấp Bộ trình độ trung cấp; tham gia viết sách chuyên khảo; tham gia tổ biên soạn Chương trình khung trung cấp, ngành Diễn viên Múa; tham gia viết bài đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, hội thảo chuyên ngành; tham gia viết, chỉnh sửa Chương trình chi tiết môn học thuộc chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng ngành Diễn viên múa và đại học ngành Huấn luyện múa, Biên đạo múa; tham gia viết bài cho Bản tin Nghệ thuật Múa; tham gia viết bài trên website của Học viện; tham gia viết đề tài NCKH, SKKN cấp khoa. Bên cạnh những thành tựu như vậy thì công tác NCKH vẫn còn những điểm hạn chế như: thiếu vắng bài báo khoa học quốc tế; các đề tài NCKH cấp trường, bài báo khoa học đăng tạp chí chuyên ngành còn ít, chưa có chủ biên đề tài cấp Bộ, ngành và cao hơn. 

ThS. Cao Thị Phương Nhung trình bày ý kiến thảo luận

Với đội ngũ giảng viên và cộng tác viên tốt nghiệp các trường Đại học sư phạm có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, Khoa đã đảm nhiệm việc giảng dạy đảm bảo chất lượng trong suốt 65 năm qua. Mỗi giảng viên trong Khoa đều nhận thức rằng việc nâng cao trình độ không những là công việc theo thời gian mà còn đi liền với sự phát triển để góp phần đào tạo những thế hệ tương lai của Học viện Múa Việt Nam có khả năng thích ứng với thời đại mới đầy năng động; đáp ứng nhu cầu đổi mới của nền giáo dục hiện nay trong xu thế hợp tác và hội nhập văn hóa, góp phần đào tạo thế hệ nghệ sĩ múa đủ tâm và tài, đáp ứng được những yêu cầu trong thời đại mới.