HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM
Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
Tháng 11 và câu chuyện của người thầy
20/11/2019
Hoàng Thị Kim Dung
Một trong số những truyền thống tốt đẹp vốn có lâu đời mà người Việt Nam vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay là truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được thắp lửa bởi biết bao nhiêu tình thầy trò và kết tinh trong dịp lễ kỷ niệm thường niên: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tôi muốn nhìn lại truyền thống đó ở một góc nhìn khác, trong cảm nhận của chính người thầy đang đứng trên bục giảng về nghề của mình và niềm mong muốn dành cho lớp học trò thân yêu.
Trong ngôn ngữ tiếng Việt, từ “thầy” vốn được sử dụng cho khá nhiều ngành nghề khác nhau, chẳng hạn như: thầy lang (thầy thuốc), thầy địa lý (thầy phong thủy), thầy mo (thầy cúng), thầy tướng số, thầy bói… Nhưng trong số đó, có một nghề luôn được xã hội tôn vinh, ưu ái - đó là “thầy đồ” theo cách gọi ngày xưa và “thầy giáo” - ngày nay.
Vậy giáo viên là ai? Tại sao giáo viên lại được coi là một nghề cao quý?
Trước hết, giáo viên là những người trao truyền tri thức cho các em. Nhờ có các thầy cô mà em biết nắn nót những nét chữ đầu tiên, biết làm toán và nhận thức thế giới khoa học cùng những hiểu biết xã hội (như Vì sao Nguyễn Trãi bị dính án tru di tam tộc? Có những triều đại nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam? Vì sao có ngày và đêm? Vì sao có lịch âm và lịch dương?...); biết những động tác múa và dần dần tiếp cận với nghệ thuật múa đỉnh cao. Tuy nhiên, nếu nói rằng chỉ có thầy cô trao truyền tri thức cho các em là chưa đủ. Người Việt ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên” nhưng cũng nói rằng: “Học thầy không tày học bạn” và “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”. Như vậy, có rất nhiều người mà các em có thể học hỏi, là thầy cô, là cha mẹ, là bạn bè, và cả sách cũng cung cấp cho các em những chân trời tri thức mới.
Ngoài ra, giáo viên chúng tôi phải là những người thực sự có tâm với nghề. Nghề nào cũng cần đến cái “tâm”, nhưng nghề giáo, ngoài tình yêu thương, sự công bằng và đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi còn có những nỗi niềm riêng. Cũng như bố mẹ các em, chúng tôi có biết bao nhiêu những lo toan bộn bề của cuộc sống. Chúng tôi còn chịu những áp lực từ chính nghề nghiệp của mình và từ sự đòi hỏi của xã hội. Tuy nhiên, để giữ được tâm thế nhà giáo khi lên lớp, chúng tôi đôi khi giống một diễn viên hạng A thực thụ, và nếu tham gia vào showbiz thì chắc là cát - sê sẽ cao ngất ngưởng vì chúng tôi luôn phải kiểm soát hành vi và tiết chế cảm xúc thực sự của mình. Những lo toan, muộn phiền, cơm áo gạo tiền, con ốm con đau hay bực tức gia đình, thậm chí cả những nỗi đau… phải để lại sau lưng hoặc nén ở trong lòng để nhập thân với nghề, cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình khi giảng dạy, không để những câu chuyện ngoài lề làm ảnh hưởng đến giờ lên lớp.
Nhưng hơn hết, tôi nghĩ người thầy giáo được coi trọng bởi họ phải là những người có nhân cách, những tấm gương về đạo đức, về lối sống để các em có thể soi vào đó mà điều chỉnh hành vi của mình. Có không ít những học sinh đã bị sa ngã, hư hỏng tưởng chừng không cứu vớt được, nhưng họ đã đứng lên từ chính sai lầm của mình nhờ vào sự chỉ dạy, tình yêu thương thật lòng và những bài học nhân cách từ các thầy các cô.
Giáo viên chúng tôi mong muốn điều gì từ phía các em?
Thứ nhất, không phải học sinh nào đi học cũng đạt được kết quả tốt như mong muốn mà cha mẹ gửi gắm cho nhà trường. Có những đứa trẻ mà các chữ cái và con số lúc nào cũng nhảy tăng gô trong đầu, không thể định hình được. Chắc các em cũng đã biết nhiều vĩ nhân trên thế giới thuở còn là học sinh đều là những người rất sợ học. Trong số đó có Albert Einstein – nhà vật lý người Đức, sau này đạt giải Nobel vào năm 1921. Thomas Edison – người phát minh ra điện, cũng khi còn là học sinh đã không thể viết chữ đúng. Leonardo da Vinci – danh họa người Ý, đã từng là người rất khó khăn trong việc viết và đọc, thậm chí ông còn viết ngược các chữ cái, nhưng sau này đã có bức họa nổi tiếng giống y như một bức ảnh chụp thật – nàng Mona Lisa – người mang vẻ đẹp hoàn hảo theo đúng tiêu chuẩn thẩm mỹ của nhân trắc học. Cũng chính Leonardo da Vinci đã dựa trên chuyển động của loài ruồi và dơi để phác thảo ra bức vẽ có hình dáng của một chiếc máy bay vào thế kỷ XV, trước tận 400 năm khi chiếc máy bay thật ra đời. Pablo Picasso – danh họa người Tây Ban Nha cũng đã từng là một học sinh luôn viết số 7 lộn ngược và gọi đó là “cái mũi của chú tôi”. Những vĩ nhân ấy - họ đã tìm ra con đường đi cho riêng mình, phát huy được những thế mạnh của bản thân. Và các em, con đường các em đang đi là hướng tới một nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Không có một con đường tương lai nào trải sẵn thảm đỏ hay hoa hồng, không có vinh quang nào không thấm bằng mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi mong các em hãy kiên trì theo con đường đã chọn bằng ý chí, nỗ lực, sự khổ luyện với nghề và niềm đam mê của mình.
Các em cũng hãy luôn sống và học tập bằng một thái độ khiêm tốn, cầu thị; mọi sự kiêu ngạo, tự mãn và ngủ quên trên chiến thắng đều là những kẻ thù ẩn danh. Có một nhạc sĩ Pháp là Gu - nô đã nói thế này: Khi 20 tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng mình có tài. Khi 30 tuổi, tôi nói: Tôi và Mozart. Khi 40 tuổi, tôi nói: Mozart và tôi. Bây giờ, tôi chỉ nói: Mozart. Có thể nói, khi chúng ta 20 tuổi, chúng ta luôn ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, thấy mình là số 1, là duy nhất, là cái rốn của vũ trụ. Tư duy đó sẽ dần được thay đổi khi ta có thêm những trải nghiệm của cuộc đời. 30 tuổi, ta đã công nhận tài năng của người khác nhưng vẫn đặt mình cao hơn một bậc. 40 tuổi, đủ chiêm nghiệm để thấy cuộc đời này còn rất nhiều người tài năng hơn mình. Rồi càng già, ta càng học được những bài học về sự nhún nhường, khiêm tốn khi thấy thực tế mình chỉ là một hạt muối giữa mênh mông biển đời mà thôi. Khiêm tốn không có nghĩa là bi quan, khiêm tốn là “Biết mình, biết ta, trăm trận trăm thắng” theo như binh pháp của Tôn Tử đã dạy.
Cuối cùng, có thể đến một lúc nào đó các em vẫn chưa thành công, chưa thành đạt, chưa thành danh… nhưng có một điều mà các thầy cô luôn luôn kỳ vọng vào các em, đó là thành người. Có câu chuyện kể rằng: một anh học trò rất hỗn láo, ngỗ ngược, trước khi chia tay đến gặp thầy giáo ngỏ ý muốn tặng quà cho thầy. Thầy giáo mỉm cười trả lời: Ta chỉ muốn nhận một món quà duy nhất là đừng bao giờ anh nói với ai rằng anh là học trò của ta. Đó là một câu chuyện cười ra nước mắt! Chúng tôi hy vọng các em hãy sống tử tế và làm những việc tử tế, trở thành những con người có ích cho xã hội – đó là món quà tri ân mà bất kỳ thầy cô nào cũng mong muốn được nhận từ các em.
Những ngày tháng 11 hướng về Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, từ cảm nhận của một nhà giáo, tôi có đôi lời muốn tâm sự, sẻ chia để các em hiểu hơn về nghề dạy học của các thầy cô cùng những niềm mong muốn, hy vọng mà chúng tôi muốn trao gửi lại cho lớp hậu sinh. Xin chúc các em luôn có thật nhiều nghị lực, bản lĩnh trong cuộc sống, vững vàng bước tiếp trên con đường nghề nghiệp đã chọn, bay cao và bay xa hơn nữa với những ước mơ của mình.