HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM
Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
Hội thảo Khoa học đề tài cấp Bộ năm 2019 – 2020
02/10/2020
Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế
Ngày 02 tháng 10 năm 2020, tại Phòng Truyền thống, Học viện Múa Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học đề tài cấp Bộ năm 2019 – 2020 “Bảo tồn và phát huy múa nghi lễ của người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai vùng Trường Sơn Tây Nguyên trong phát triển du lịch”.
Tới dự Hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện Múa Việt Nam có bài tham luận tại Hội thảo; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện Múa Việt Nam, các giảng viên, sinh viên Học viện Múa Việt Nam quan tâm tới đề tài. Trong đó, đặc biệt phải kể đến sự góp mặt của TS Trần Hữu Sơn – nguyên Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện đang là Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng.
Đề tài về Tây Nguyên nói chung và các nghi lễ của người Tây Nguyên (lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà Rông, lễ hội cồng chiêng...) nói riêng từ lâu đã nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước dưới nhiều góc độ khác nhau như: nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học, xã hội học... Công tác nghiên cứu sưu tầm múa tại Học viện Múa Việt Nam đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết về mọi mặt. Hiện nay, trong hệ thống giáo trình múa của các trường nghệ thuật trên cả nước nói chung và Học viện Múa Việt Nam nói riêng, mảng chất liệu múa của các dân tộc vùng Trường Sơn Tây Nguyên vẫn đang còn thiếu nhiều đầu sách, công trình phục vụ công tác đào tạo. Trong đó, múa nghi lễ là một trong những mảng đề tài chưa được nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống.
Riêng với ngành múa, công tác sưu tầm, nghiên cứu múa đang đứng trước nhiều thách thức, chưa có một công trình chuyên khảo về múa trong nghi lễ được phản ánh đầy đủ dưới các góc độ: dân tộc học, tôn giáo, văn hóa, nhân học… Trong bối cảnh chung khi các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đang đứng trước những biến đổi to lớn và có nguy cơ mai một nhanh chóng, các nghi lễ truyền thống của dân tộc Ba Na, Ê Đê và Gia Rai cũng đang đứng trước những thách thức đó. Đề tài “Bảo tồn và phát huy múa nghi lễ của người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai vùng Trường Sơn Tây Nguyên trong phát triển du lịch” là công trình nghiên cứu hệ thống, chuyên sâu về múa nghi lễ của các tộc người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai vùng Trường Sơn Tây Nguyên dưới nhiều góc độ như: nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học.
Với ý nghĩa đó, hội thảo được tổ chức nhằm lắng nghe những ý kiến, trao đổi của các nhà khoa học về vấn đề này, giúp cho nhóm thực hiện đề tài có thêm nhiều thông tin hữu ích trong quá trình thực hiện đề tài. Hội thảo đã nhận được 40 tham luận, lựa chọn ra 12 tham luận có chất lượng tốt và có 5 trong số 12 tham luận đó được trình bày tại hội thảo của các tác giả: TS Trần Hữu Sơn, ThS Man Khánh Quỳnh, ThS Bùi Phương Hảo, ThS Lưu Hoàng Trường, ThS Cao Thị Phương Nhung nghiên cứu về vấn đề múa nghi lễ trong phát triển du lịch Tây Nguyên ở nhiều góc nhìn khác nhau. Các tham luận được đánh giá là khá hay, hấp dẫn với nhiều nội dung mới mẻ, hữu ích để tiếp thu, tham khảo.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. TS Trần Hữu Sơn cho rằng nên tổ chức nhiều Hội thảo như thế để các biên đạo múa có chất liệu khi sáng tác tác phẩm. TS Trần Hữu Sơn cũng đánh giá cao sự quan tâm đến công tác sưu tầm, học tập lí luận của sinh viên Học viện Múa Việt Nam khi số lượng các em đến nghe và đặt câu hỏi khá đông.
Toàn cảnh Hội thảo
TS Lê Hải Minh và TS Trần Hữu Sơn – Đoàn Chủ tịch Hội thảo
Một số giảng viên quan tâm tới đề tài đã viết bài tham luận và thảo luận tại Hội thảo
TS Bạch Mỹ Trinh – chủ nhiệm đề tài và giảng viên múa Nguyễn Thành Công
Các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo