HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM
Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Định hướng giáo dục nhân cách cho sinh viên Học viện Múa Việt Nam hiện nay”
06/02/2021
Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế
Ngày 31 tháng 12 năm 2020, tại Phòng họp C2, Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Định hướng giáo dục nhân cách cho sinh viên Học viện Múa Việt Nam hiện nay” của chủ nhiệm đề tài, TS Phạm Thanh Giang.
Tới dự buổi nghiệm thu có TS Bạch Mỹ Trinh - Phó trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế phụ trách công tác Nghiên cứu khoa học của Học viện và những thành viên trong Hội đồng nghiệm thu gồm:
1. TS, NSƯT Trần Văn Hải - Q. Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng.
2. TS Phạm Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục - Ủy viên phản biện 1.
3. ThS Cao Thị Phương Nhung - Giảng viên khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản - Ủy viên phản biện 2.
4. ThS Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên - Ủy viên.
5. ThS Đặng Thị Thúy Nga – Chuyên viên Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế - Thư ký hội đồng.
Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.
Hồ Chí Minh từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh con người cần rèn luyện cho mình cả đức và tài để trở thành người vừa ‘hồng”, vừa “chuyên”.
Học viện Múa Việt Nam là cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống quốc dân có sứ mệnh: Đào tạo đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ múa có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp cao, có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, đất nước và khu vực. Trong những năm qua bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn một bộ phận không nhỏ sinh viên Học viện Múa Việt Nam lúng túng trong định hướng trong phát triển nhân cách, phai nhạt lý tưởng sống, bị ảnh hưởng bởi lối sống “lệch chuẩn”,… Với những lí do đó, đề tài được tác giả thực hiện là rất cần thiết.
Đề tài có ưu điểm: Đã hệ thống một cách cơ bản cơ sở lý luận của định hướng giáo dục nhân cách cho sinh viên; đề tài nêu được thực trạng cơ bản của công tác giáo dục nhân cách cho sinh viên ở Học viện Múa Việt Nam hiện nay. Chỉ ra nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế. Trên cơ sở thực tiễn công tác giáo dục nhân cách cho sinh viên ở Học viện Múa Việt Nam, tác giả đưa ra một số nguyên tắc và biện pháp định hướng giáo dục nhân cách cho sinh viên ở Học viện Múa Việt Nam hiện nay sao cho công tác này ngày càng đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh những ưu điểm đó, đề tài còn có những hạn chế: Trong phần cơ sở lý luận: Tác giả nên bổ sung thêm khái niệm: “Định hướng” trước khi đưa ra khái niệm “Định hướng giá trị”. Trong phần khái niệm “Nhân cách”, tác giả lại đưa ra cả quan điểm về “sinh viên”, “nhân cách sinh viên”, “cấu trúc nhân cách sinh viên” là chưa thực sự hợp lý; tiểu kết chương 1,2 chưa bao quát, tương xứng với những vấn đề đã được thực hiện ở nội dung chương. Chương 1,2 có tiểu kết nhưng chương 3 không có. Mặt khác, chương 2 là cơ sở thực tiễn để đưa ra các giải pháp ở chương 3 mà nội dung “thực trạng” tác giả tổng kết được chỉ chiếm số trang khiêm tốn là hơn 3 trang. Như vậy, chương 2 có phần chưa tương xứng với các chương còn lại. Ở phần các phương pháp nghiên cứu tác giả nêu sử dụng phương pháp điều tra, khảo sát bằng phiếu trưng cầu ý kiến đối với giảng viên, cán bộ quản lý và sinh viên của Học viện nhưng không có phụ lục mẫu phiếu điều tra, khảo sát kèm theo,…
Sau khi thảo luận, thống nhất, Hội đồng bỏ phiếu đánh giá 5/5 phiếu (chiếm 100%) đề tài xếp loại: Đạt nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của các thành viên hội đồng.