HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM
Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
Nghiệm thu cấp bộ đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2019 - 2020
07/04/2021
Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế
Ngày 05 tháng 4 năm 2021, tại Phòng họp C1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 51 phường Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019 – 2020 “Bảo tồn và phát huy múa nghi lễ của người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai vùng Trường Sơn Tây Nguyên trong phát triển du lịch” của chủ nhiệm đề tài: TS Bạch Mỹ Trinh.
Tới dự buổi nghiệm thu có các thành viên trong Hội đồng và các nhà khoa học trong và ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm tới đề tài.
Hội đồng nghiệm thu (theo Quyết định số 997/QĐ-BVHTTDL ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm có:
1. PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Chủ tịch Hội đồng.
2. TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch hội đồng.
3. PGS.TS Bùi Thanh Thủy - Ủy viên phản biện 1.
4. PGS.TS Ứng Duy Thịnh - Ủy viên phản biện 2.
5. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - Ủy viên.
6. TS.NSND Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên.
7. TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Ủy viên, Thư ký khoa học.
8.TS. Nguyễn Thị Kim Quế - Thư ký hành chính.
Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Bộ
Đề tài về Tây Nguyên nói chung và các nghi lễ của người Tây Nguyên nói riêng từ lâu đã nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước dưới nhiều góc độ khác nhau như: nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học, xã hội học... Công tác nghiên cứu sưu tầm múa ở nước ta đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết về mọi mặt. Hiện nay, trong hệ thống giáo trình múa của các trường nghệ thuật trên cả nước mảng chất liệu múa của các dân tộc vùng Trường Sơn Tây Nguyên vẫn đang còn thiếu nhiều đầu sách, công trình phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu. Trong đó, múa nghi lễ là một trong những mảng đề tài chưa được nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống.
Riêng với ngành múa, công tác sưu tầm, nghiên cứu múa đang đứng trước nhiều thách thức, chưa có một công trình chuyên khảo về múa trong nghi lễ được phản ánh đầy đủ dưới các góc độ: dân tộc học, tôn giáo, văn hóa, nhân học… Trong bối cảnh chung khi các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đang đứng trước những biến đổi to lớn và có nguy cơ mai một nhanh chóng, các nghi lễ truyền thống của dân tộc Ba Na, Ê Đê và Gia Rai cũng đang đứng trước những thách thức đó. Đề tài “Bảo tồn và phát huy múa nghi lễ của người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai vùng Trường Sơn Tây Nguyên trong phát triển du lịch” là công trình nghiên cứu hệ thống, chuyên sâu về múa nghi lễ của các tộc người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai vùng Trường Sơn Tây Nguyên dưới nhiều góc độ như: nhân học, văn hóa học, nghệ thuật học, du lịch học,… Đặc biệt là ảnh hưởng của nó trong phát triển du lịch vùng Trường Sơn Tây Nguyên.
TS Bạch Mỹ Trinh - chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài
Với ý nghĩa đó, đề tài được thực hiện là rất cần thiết, cấp bách. Đề tài được đánh giá là một công trình nghiên cứu khoa học thể hiện sự tâm huyết, thái độ làm việc nghiêm túc của Ban Chủ nhiệm đề tài. Đề tài đã thực hiện được một số mục tiêu đề ra, có sự đầu tư, chỉnh sửa so với kết luận của Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở ngày 15 tháng 12 năm 2020 của hội đồng nghiệm thu (theo Quyết định số 400/QĐ-HVMVN ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Đề tài đã hệ thống hóa được các khái niệm lý thuyết. Trình bày được khái lược đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của 3 tộc người: Ba Na, Ê Đê, Giai Rai. Bước đầu nhận diện được múa nghi lễ để giải mã cho việc phát triển du lịch. Đánh giá thực trạng sự phát triển của múa nghi lễ trong bối cảnh hiện nay. Nhận diện được nguyên nhân khách quan và chủ quan của thực trạng trên. Từ đó làm cơ sở đưa ra các giải pháp bảo tồn văn hóa múa nghi lễ gắn với phát triển du lịch của 3 tộc người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên. Đề tài có giá trị khoa học, hoàn thành đúng tiến độ.
Bên cạnh những ưu điểm đó, đề tài cũng cần chỉnh sửa một số nội dung được góp ý cụ thể, chi tiết ở các trang trong đề tài: Chỉnh sửa lại phạm vi, khu vực nghiên cứu của đề tài; chỉnh sửa tính cấp thiết cho hợp lý, cấp bách hơn; bổ sung khái niệm Múa nghi lễ, tài liệu tham khảo nước ngoài và kinh nghiệm quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy múa truyền thống trong phát triển du lịch; cần làm nổi bật giá trị của múa trong phát triển du lịch; lược bớt những nội dung không liên quan, lược bỏ những tài liệu không cần thiết. bổ sung khuyến nghị, bổ sung số liệu điều tra để làm tăng độ tin cậy cho các giải pháp; phân tích cụ thể hơn các giải pháp phát triển múa nghi lễ của 3 tộc người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên để phát triển du lịch trong bối cảnh đương đại. nếu có thể cấu trúc rút gọn lại từ 6 chương thành 4 chương. Đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiêm túc chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng và nộp về Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo đúng thời hạn quy định.
Sau khi thảo luận, thống nhất, Hội đồng bỏ phiếu đánh giá 7/7 phiếu (chiếm 100%) đề tài xếp loại: Đạt.