HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Một số điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 – 2026

07/05/2021

TT Thông tin - Thư viện (tổng hợp)


Ngày 23 tháng 5 năm 2021, cử tri cả nước sẽ tham gia bầu cử để lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Về cơ bản, công tác bầu cử thực hiện theo các quy định, hướng dẫn đã có trước đây, song vẫn có vài điểm mới mà người thực hiện công tác bầu cử và cử tri cần quan tâm.

Thứ nhất, quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Thứ hai, danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử ĐBQH cũng như đối với người ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ. Đối với danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6, Điều 57 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và thực hiện. Đối với nội dung tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, so với kỳ bầu cử trước, kỳ này không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Thứ ba, những điểm mới trong cơ cấu, thành phần số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) thì những nội dung liên quan đến cơ cấu, thành phần số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Trước hết là số lượng ĐBQH chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính. Tiếp đến là việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và không chuyên trách.

Thứ tư, để việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách thực sự hiệu quả, Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 quy định ngoài những điều kiện, tiêu chuẩn chung của ĐBQH thì các ĐBQH chuyên trách cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng về trình độ chuyên môn (từ đại học trở lên; phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên, có quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh tương đương trở lên.

Thứ năm, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri: trường hợp được dự kiến ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác (khoản 3 Điều 9 và khoản 3 Điều 14 NQLT09).