HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học tại Chi bộ Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản

07/04/2023

ThS. Trịnh Thị Hồng Hạnh, Chi bộ Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản


Thực hiện Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, ngày 08/3/2023, Chi bộ Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản – Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức buổi dự giờ, sinh hoạt chuyên môn với chuyên đề: “Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học”. Đến dự buổi dự giờ và sinh hoạt chuyên đề có ThS. Trần Hải Yến - Đảng ủy viên Đảng bộ Học viện phụ trách Chi bộ Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản; TS.Lê Hải Minh - Phó Giám đốc phụ trách Đào tạo của Học viện cùng toàn thể lãnh đạo, giảng viên Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản.

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là phương pháp giảng dạy tiến bộ, khoa học và hiệu quả, đã và đang dần được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Nghiên cứu bài học là thuật ngữ chỉ một phương pháp nâng cao năng lực sư phạm của giáo viên có nguồn gốc từ Nhật Bản. Khái niệm này đề cập đến việc nghiên cứu và cải thiện chất lượng dạy học thông qua các nội dung bài học cụ thể, trong đó học sinh là trọng tâm, từ đó, thầy cô có thể thay đổi cách truyền đạt, hướng dẫn học sinh sao cho hiệu quả nhất. Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ đã dự giờ bài “Qui tắc đếm” môn toán lớp 10 do Ths. Đào Hương Thủy đứng lớp.

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học gồm 04 bước:

Giáo viên xây dựng yêu cầu cần đạt của bài học. Căn cứ vào yêu cầu, giáo viên chủ động, linh hoạt điều  chỉnh nội dung, thời lượng, đồ dùng dạy học, phương pháp và kĩ thuật dạy học phù hợp.

Giáo viên chuyển giao nhiệm vụ học tập phù hợp với khả năng của học sinh thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ. Người học thực hiện nhiệm vụ học tập, giáo viên phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện  pháp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

- Hoạt động của học sinh thể hiện ở khả năng tiếp nhận kiến thức, tích cực, chủ động, sáng tạo và sự hợp tác của học sinh.

- Giáo viên tổ chức hoạt động cho học sinh chuyển giao nhiệm vụ học tập, từ đó quan sát, theo dõi và có những biện pháp hỗ trợ học sinh tự học.

- Dựa trên kết quả phân tích bài học và những điều quan sát, học tập được qua dự giờ, các giáo viên chủ động, sáng tạo áp dụng vào bài học của mình.

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học tại Chi bộ Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản

Qua các bước thực hiện và kết quả thực tế khi dự giờ môn Toán, bài “Qui tắc đếm” của ThS. Đào Hương Thủy dạy tại lớp 10M, lãnh đạo và các giáo viên giảng dạy tại Khoa Văn hóa & Kiến thức cơ bản có một số nhận xét như sau: Giáo viên đã có sự đầu tư, nghiên cứu nghiêm túc khi tiến hành dạy học bài này. Học sinh chủ động tương tác với giáo viên và với các bạn, từ đó nắm được nội dung kiến thức bài học. Các hoạt động mà giáo viên yêu cầu  động của học sinh trong giờ học chủ yếu là hoạt động cá nhân và hoạt động theo cặp, hai hoạt động này phù hợp với đặc điểm và trình độ của học sinh Học viện. Kết thúc bài học, học sinh đã vận dụng được qui tắc đếm trong thực tiễn của cuộc sống…

ThS. Lê Thị Ánh Tuyết – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản phát biểu tại buổi sinh hoạt

Năm học 2022 – 2023, chương trình mới và sách giáo khoa mới được áp dụng với lớp 7 và lớp 10. Sự thay đổi này đòi hỏi người giáo viên phải liên tục cập nhật kiến thức, kĩ năng để đáp ứng tốt những yêu cầu mới. Các buổi sinh hoạt chuyên đề định kì của chi bộ gắn liền với công tác chuyên môn sẽ giúp giáo viên có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kiến thức môn học, phục vụ tốt hơn cho môn học của mình và cho việc dạy học tích hợp liên môn, từ đó tìm ra những phương án hiệu quả nhất, giúp học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình lĩnh hội kiến thức, đáp ứng yêu cầu về trình độ so với mặt bằng chung của nền giáo dục Việt Nam.