HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Trải nghiệm không gian văn hoá các dân tộc qua chuyến đi thực tế tại Hà Giang, Tuyên Quang 

19/04/2023

ThS Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng Khoa Diễn viên múa


Cũng như những chuyến thâm nhập thực tế hàng năm, năm 2023, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức chuyến đi thực tế tại Hà Giang và Tuyên Quang từ ngày 29/3 đến 4/4/2023 cho các hội viên. Là một giảng viên giảng dạy múa Dân gian dân tộc Việt Nam, mỗi khi có cơ hội về với đồng bào là một lần được cập nhật thêm kiến thức thực tế, được “học được một sàng khôn”, được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với các đồng nghiệp 3 miền Bắc – Trung – Nam, một khoảng thời gian vô cùng quý giá.  

Tham gia đoàn đi lần này gồm Chủ tịch, phó Chủ tịch Hội; các hội viên đang công tác tại các cơ sở đào tạo như: Học viện Múa Việt Nam, trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật quân đội, trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh, trường CĐ văn hoá nghệ thuật Việt Bắc, trường CĐ văn hoá nghệ thuật Tây Bắc, trường Cao đẳng Yên Bái; đại diện các hội viên là Biên đạo múa của các đoàn nghệ thuật: Sơn La, Vũng Tàu, Tuyên Quang, Hoà Bình, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và một số nghệ sĩ múa các tỉnh khác…

Chương trình được sắp xếp kín lịch sáng - chiều với nhiều điểm đến, thời gian vận chuyển liên tục trên xe, phải vượt nhiều đèo leo dốc, ghập ghềnh trắc trở, nhưng bù lại, Đoàn được thăm quan nhiều địa danh và được tận mắt xem đồng bào múa. Lần lượt từ di tích lịch sử Quốc gia cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc linh thiêng của Tổ quốc, Dinh thự họ Vương ở huyện Đồng Văn, được xây dựng theo kiến trúc đời nhà Thanh, một công trình kiến trúc rất tinh xảo với nhiều hoa văn độc đáo đến Bãi đá mặt trăng, đỉnh Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, hẻm Tu Sản …Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Hà Giang - nơi được mệnh danh là “đá cũng nở hoa” - nhiều di tích và phong cảnh đẹp khó cưỡng, khiến bất cứ ai đã tới một lần lại muốn đi thêm nhiều lần nữa. 

Không chỉ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ nhưng rất đỗi thơ mộng và trữ tình của Hà Giang, điều đặc biệt và tuyệt vời hơn cả là Đoàn được hoà nhập vào không gian văn hoá bản địa các dân tộc nơi đây và thu thập được thêm những chất liệu múa quý của đồng bào các dân tộc: Lô Lô, Dao, Pà Thẻn, Cao Lan, H'mông. Các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc đã và vẫn luôn giữ được bản sắc văn hoá thông qua phong tục tập quán và cả trong nhiều điệu múa. Tiêu biểu là những điệu múa Người rừng của dân tộc Lô Lô; múa Mặt nạ, múa Chuông trong lễ cấp sắc và múa trong lao động của dân tộc Dao; múa Khai đèn, múa Xúc tép, múa Chim gâu của dân tộc Lô Lô và Lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn.

Các điệu múa dân gian các dân tộc Lô Lô, Dao, Cao Lan, H’Mông hiện đang có trong chương trình giảng dạy tại Học viện múa Việt Nam thì nay Đoàn trực tiếp được thấy đồng bào các dân tộc múa. Ngoài ra, trong đợt đi thực tế này, Đoàn vô cùng ấn tượng với Lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang, rất tâm linh, huyền bí và cũng rất khó để lý giải. Lễ hội Nhảy lửa thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, bắt đầu vào khoảng tháng 10,11 Âm lịch năm trước đến 15.1 Âm lịch năm sau. Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi Lễ hội Nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ. 

Để có thể tổ chức lễ hội, một đống lửa lớn được đốt lên trên khoảng sân rộng và thầy cúng bắt đầu làm lễ. Trong gần 60 phút đầu, thầy cúng sẽ ngồi trên chiếc ghế dài, thực hiện các bài ca nghi lễ với nội dung mở đường lên trời tìm "con ma" rồi gọi về nhập vào những người tham gia nhảy lửa. Khi thầy mo gõ đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên một sẽ ngồi đối diện với thầy và đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy cúng mỗi lúc một thôi thúc. Những thanh niên nhẩy lửa của buổi lễ là những chàng trai trẻ và có cả đàn ông lớn tuổi. Khi Thầy làm lễ thì cũng là lúc cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên. Thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh, sắp có sự dũng cảm để nhảy vào những đám than hồng đang ở độ rực rỡ nhất, nóng bỏng nhất, các động tác lắc lư, rung người của các chàng trai mạnh dần. Một nguồn năng lượng nào đó khiến từng chàng trai nhập đồng bắt đầu bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa, vừa nhẩy vừa đưa tay bới tung than hồng. Việc nhảy vào đống than hồng đang rực lửa mà vẫn không hề hấn gì, chàng trai nhẩy lửa Làn Văn Tử, sinh năm 2002 và Ván Xuân Hùng, sinh năm 2000 cho biết: “Lúc trước khi Thầy làm lễ, cơ thể chúng em vẫn bình thường nhưng khi thầy cúng, sau gần 1 tiếng và cho nhập đồng, cơ thể chúng em cảm thấy lạnh run lên, khi nhìn thấy đống lửa chỉ muốn nhẩy vào cho ấm, xua đi cái lạnh mà không hề thấy nóng hay bỏng rát”. Kì lạ thay, đôi bàn tay và chân của các chàng trai nhảy lửa chỉ toàn là màu đen của bụi than loang khắp bàn tay và chân và không có dấu hiệu nào thương tích hay phỏng rát. Thật thú vị và không thể nào lý giải nổi! Hình ảnh những bóng người nhảy lửa cùng với ánh than hồng bùng lên trong đêm tối mang lại bức tranh lạ lùng và tuyệt đẹp của miền sơn cước. Những chàng trai người Pà Thẻn như đang trong cơn mê, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống lửa mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Lễ hội Nhảy lửa không chỉ là dịp để các chàng trai thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm mà còn là một hoạt động văn hóa độc đáo mang bản sắc rất hoang sơ, huyền bí của dân tộc Pà Thẻn. 

Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy cúng làm Lễ thu quân và tiễn thần linh và các hồn ma về chốn cũ. Cả thầy cúng và những người tham gia nhảy lửa lại trở về trạng thái bình thường. Lễ hội kết thúc trong niềm vui hân hoan, mang lại tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc. Đời này qua đời khác, Lễ hội Nhảy lửa đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng Lễ hội Nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Thêm một ấn tượng nữa của người Pà Thẻn trong chuyến đi lần này còn là nét đẹp trong trang phục truyền thống bắt mắt, giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, bộ trang phục màu đỏ tươi càng làm nổi bật vẻ đẹp của phụ nữ Pà Thẻn. Trang phục người Pà Thẻn có những nét rất riêng, xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc. Người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trong trang phục của họ, áo được may kiểu không cổ, khi mặc hai thân vắt chéo với nhau, thân sau dài hơn thân trước với màu chủ đạo là màu đỏ nhưng có phối màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành các đường kẻ sọc, hình thức trang trí của áo kết hợp với thêu và ghép vải để phối mầu đã tạo nên một phong cách độc đáo trong trang phục nữ người Pà Thẻn. Nhìn tổng thể, bộ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn thể hiện kỹ thuật ghép vải và thêu chỉ màu hài hòa. Xen giữa các mảng dệt, mảng hoa văn, còn là các hoạt tiết thêu bằng tay với nhiều màu sắc sặc sỡ, làm cho các mảng màu thêm nổi bật. Cả bộ trang phục bao gồm: Khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Nữ thường để tóc dài vấn khăn quanh đầu, hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua màu vàng, đỏ trông đẹp và lạ mắt. Khăn có hai loại: khăn quấn trong màu đen và khăn quấn ngoài màu đỏ. Phụ nữ Pà Thẻn đội khăn quấn thành nhiều vòng trên đầu, quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn tạo thành mái nhô ra hai bên mang tai. Chính điều đó làm cho các bộ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn vừa độc đáo vừa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.…Thầm mong ước có thêm nhiều thời gian hơn nữa để được tìm hiểu sâu hơn về dân tộc Pà Thẻn và khai thác được chất liệu múa của dân tộc đặc biệt ấn tượng này. 

Những chuyến thâm nhập thực tế thật vui, bổ ích và đầy ý nghĩa do Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức tạo động lực cho các thầy cô đang dạy múa, các biên đạo múa thêm phấn chấn hơn, yêu nghề hơn nữa. Sau mỗi chuyến đi, việc được tiếp thu những vốn múa quý của đồng bào các sẽ giúp các thành viên trong Đoàn có thêm chất liệu để sáng tạo, để giữ gìn, lưu truyền và phát huy, góp phần bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống trong đó có múa Dân gian dân tộc Việt Nam.

Một số hình ảnh trong chuyến thâm nhập thực tế:

Đoàn HNSMVN chụp ảnh kỷ niệm tại thôn Lô Lô chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang

Nhóm Hội viên Học viện múa Việt Nam chụp với Chủ tịch Hội NSMVN và các nghệ nhân múa dân tộc Dao Tiền thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, Hà Giang

Đoàn Hội NSMVN dự lễ múa Khai đèn của dân tộc Cao Lan, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang

NNƯT Sìn Văn Tu – Dân tộc Pà Thẻn xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang chuẩn bị cúng trong Lễ Nhẩy lửa