HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Bồi dưỡng, phát triển công tác đào tạo tài năng lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật 

04/12/2023

ThS Trịnh Minh Ngọc - Phó Trưởng khoa Khoa Diễn viên Múa


Nhận Thư mời từ Jeonju University tại Hàn Quốc về việc tham dự lớp Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý văn hóa, quản lý đào tạo và đội ngũ giảng viên đang tham gia đào tạo lĩnh vực tài năng về Văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt và tổ chức Đoàn cán bộ, giảng viên tham gia lớp Bồi dưỡng kiến thức nói trên từ ngày 01 tháng 11 năm 2023 đến ngày 11 tháng 11 năm 2023 theo quyết định số 2789/QĐ-BVHTTDL ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đoàn công tác đi Hàn Quốc tham gia lớp Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ gồm đại diện của Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số giảng viên, cán bộ đang tham gia giảng dạy, biên soạn Chương trình đào tạo Tài năng tại các cơ sở đào tạo trên toàn quốc. Học viện Múa Việt Nam cử ThS Trịnh Minh Ngọc - Phó Trưởng Khoa Diễn viên múa, giảng viên múa Cổ điển châu Âu lớp nữ K1 Tài năng tham gia lớp Bồi dưỡng. 

Lớp Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ được tổ chức tại Jeonju University, 303 Cheonjam-ro, Wansan-gu, Jeonju-si, Jeollabuk-do, Hàn Quốc. Trường đại học Jeonju được thành lập ở thành phố Jeonju, Hàn Quốc vào năm 1964 với sứ mệnh phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, kỹ năng toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời đại 4.0. Với mục tiêu đào tạo nhân tài có năng lực Sáng tạo và Thực tiễn nhằm tạo ra những giá trị cho xã hội thông qua hiện đại hóa giáo dục. Trường mang lại cơ hội tiếp cận lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục đa dạng cho sinh viên với khoảng 10 khoa với 70 chuyên ngành trình độ đại học. Đặc biệt, năm 2017 trường đại học Jeonju đã liên kết đào tạo với Việt Nam, đã kí kết Bản Ghi nhớ hợp tác (MOU) về đào tạo nguồn nhân lực, người lao động Việt Nam và đã đạt được kết quả thực tế rất khả quan trong lĩnh vực hợp tác tổ chức các chương trình, sự kiện kinh tế, thương mại và đầu tư như: Hội chợ tìm việc làm, giới thiệu và cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc (Samsung, LG, SK, ...) thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Trong 10 ngày học tập bồi dưỡng, các giảng viên, cán bộ đã nghiên cứu, tìm hiểu các chuyên do các Giáo sư Hàn Quốc ở Đại học Jeonju giảng dạy:

1, Nghệ thuật công diễn của Hàn Quốc, Giáo sư Kim Jung Soo

2, Marketing trong lĩnh vực Du lịch văn hóa nghệ thuật, Giáo sư Ryu Inpyong

3, Giáo dục sáng tạo và tích hợp, Giáo sư Shim Woo Suk

4, Âm nhạc và nhân loại, Giáo sư Kim Dong Min

5, Ứng dụng Âm nhạc trong trị liệu tâm lý, Giáo sư So Hyejin

6, Liệu Pháp Vũ Đạo Chuyển Động, Giáo sư Ko Kyungsoon

7, Hệ thống đào tạo và Đánh giá giáo dục, Giáo sư Yu Pyeong Su

8, Tình hình và thách thức của giáo dục tương lai tại Hàn Quốc, Giáo sư Kim Bo Kyeong.

Thông qua các chuyên đề, các Giáo sư Hàn Quốc ở Đại học Jeonju với trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn đã mang đến cho đội ngũ giảng viên, cán bộ đoàn Việt Nam hiểu biết sâu rộng hơn về giáo dục đào tạo tại Hàn Quốc nói chung và Jeonju University nói riêng.

Giáo dục cùng với y tế là hai ngành ở Hàn Quốc được đặc biệt quan tâm và chú trọng. Giáo dục đồng hành và phát triển song song với nền kinh tế, chính trị của đất nước vì Hàn Quốc quan niệm giáo dục mang trong mình sứ mệnh và mục tiêu cao cả là dạy làm người, hướng mỗi cá nhân tới giá trị chân - thiện - mỹ. Vai trò của giáo dục đào tạo là định hướng, dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách và năng lực tự thân của con người. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo trước hết là phải đầu tư cho đội ngũ giáo viên, giáo viên giỏi sẽ đào tạo ra những thế hệ học sinh sinh viên giỏi. Chính vì thế những người làm công tác giáo dục ở Hàn Quốc rất được đề cao và trân trọng, được đảm bảo mức lương ổn định cuộc sống.

Công tác chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu trong giáo dục và đào tạo cũng như vai trò, tiếng nói của các giáo viên, giáo sư trong Đại học Jeonju luôn được quan tâm và đề cao vì chương trình đào tạo, quá trình đào tạo cũng như định hướng nghề nghiệp cho sinh viên đều do đội ngũ giáo sư đảm nhiệm. 

Ở đây mỗi khoa một chuyên ngành, có khoảng hơn 20 sinh viên/khoa. Sinh viên có thể học đa ngành. Sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai được học tất cả các môn giáo dục đại cương, năm thứ ba, năm thứ tư bắt đầu học chuyên ngành, tập trung chuyên sâu. Sinh viên được Chính phủ tài trợ 80 % học phí, 20 % học phí còn lại do Trường chi trả. 

Cùng với những vấn đề lý luận về tâm lý học nghệ thuật, trong các chuyên đề được học tập, tôi đặc biệt ấn tượng với 02 chuyên đề: 

- Ứng dụng Âm nhạc trong trị liệu tâm lý do Giáo sư So Hyejin giảng dạy. 

- Liệu Pháp Vũ Đạo Chuyển Động do Giáo sư Ko Kyungsoon giảng dạy. 

Hai chuyên đề trên đề cập đến âm nhạc và vũ đạo trị liệu tâm lý hay nói cách khác là trị liệu tâm lý nghệ thuật tức là sử dụng nghệ thuật nói chung hay âm nhạc, vũ đạo nói riêng tham gia trị liệu tâm lý và giáo dục con người. Trị liệu tâm lý nghệ thuật là một trong những chuyên ngành của Đại học Tổng hợp văn hóa nằm trong Đại học Jeonju. Người dạy múa hay âm nhạc nếu được học thêm trị liệu tâm lý nghệ thuật sẽ có thể giảng dạy và trị liệu cho những người mắc chứng bệnh tâm lý. Đối tượng của môn học này dành cho tất cả mọi người vì ẩn sâu trong mỗi con người ai cũng có những góc khuất cần giải tỏa, tổn thương cần được chữa lành, những cảm xúc tiêu cực cần được định hướng để làm chủ được chính mình… Nhưng đặc biệt môn học này hướng tới trị liệu cho những người bị tự kỷ, đặc biệt là trẻ em hay người lớn mắc chứng Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ). 

 Âm nhạc giúp cho trẻ tự kỷ, trẻ bị bệnh đao hòa nhập với thế giới bên ngoài tốt hơn, giúp cho người già phục hồi chức năng nhận thức tốt hơn. Khi con người mong muốn điều gì mà không thể trình bày, thể hiện bằng ngôn ngữ giao tiếp thường ngày thì cử chỉ, hành động ngôn ngữ cơ thể sẽ được biểu hiện. Lời nói có thể nói dối nhưng biểu hiện, cử chỉ thì không thể che dấu được cảm xúc chân thật nhất của con người. Vì thế họ tìm đến vũ đạo như một liệu pháp trị liệu tâm lý kết hợp cả nhận thức, cảm xúc và chuyển động. 

Trong tiết học Liệu Pháp Vũ đạo Chuyển động tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi đã và đang giảng dạy các lớp Ballet cho trẻ em trong đó có trẻ có dấu hiệu tự kỷ. Bài chia sẻ đã được Giáo sư Ko Kyungsoon cũng như các giảng viên trong lớp quan tâm và cùng bàn luận.

Theo đó, trong lớp Bồi dưỡng này có sự giao lưu, kết nối của Đại học Jeonju với một số trường ở Việt Nam. Các trường Đại học ở Việt Nam có thể gửi sinh viên sang học tập (từ năm thứ nhất hoặc sau 02 năm học Đại học ở Việt Nam). Nếu có giáo viên cùng sang học Thạc sĩ, Tiến sĩ sẽ được miễn học phí và được vừa học vừa giảng dạy. 

Với Học viện Múa Việt Nam có thể kết hợp giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc hoặc trao đổi giáo viên qua lại để học tập hoặc giảng dạy trong thời gian ngắn (3-6 tháng). Tại Đại học Jeonju, sinh viên được học đa ngành, học ngành văn hóa, nghệ thuật biểu diễn cũng có thể được học cả ngành kinh doanh để có thể kinh doanh lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc này rất phù hợp với sinh viên các ngành biên đạo múa, biên đạo múa sự kiện, huấn luyện múa ở Học viện Múa Việt Nam giúp cho các em không chỉ có kiến thức làm chuyên môn mà còn có thể kinh doanh chính nghề mà mình theo đuổi giúp đảm bảo công việc và phát triển đầu ra. 

Lớp Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ tại Jeonju University đã thành công tốt đẹp. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, tuy thời gian học tập ngắn ngủi nhưng Lớp Bồi dưỡng đã mang lại cho đội ngũ giảng viên, cán bộ Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm quý báu. Để có được thành công này là sự chuẩn bị rất cẩn thẩn, chu đáo của Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Việt Nam và Trường đại học Jeonju, Hàn Quốc từ Chương trình học tập đến sinh hoạt cũng như các buổi tìm hiểu văn hóa nghệ thuật ngoại khóa. Đặc biệt không thể không nhắc tới Giáo sư Jang Hyeon Jin (Bùi Thị Thanh Thủy) – ngành quản lý Du lịch và phụ trách mảng hợp tác quốc tế phía Việt Nam và Em Nguyễn Phương Thanh – quản lý sinh viên Việt Nam và Đại học Jeonju đã đón tiếp, hỗ trợ, giúp đỡ cho Đoàn Việt Nam rất nhiệt tình và nồng hậu. 

Để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên nước nhà, cần có những Lớp Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ hằng năm để các giảng viên có cơ hội được tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại kết hợp những giá trị truyền thống để đem lại cho người học được thụ hưởng kết quả giáo dục đào tạo tốt nhất đáp ứng mục tiêu phát triển đội ngũ nhân tài. 

Với kiến thức học thuật, kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực đào tạo nhân tài, Đại học Jeonju hy vọng sẽ trở thành đối tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Việt Nam để cùng đào tạo nhân tài cho mỗi quốc gia. Qua lớp Bồi dưỡng vô cùng bổ ích này, với những kiến thức, phương pháp được học tập, bồi dưỡng, tôi sẽ tiếp thu, phát huy và ứng dụng cho phù hợp với điều kiện giáo dục đào tạo thực tiễn cụ thể tại Học viện Múa Việt Nam.