HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM
Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
✆ +84 (243) 764 3546 ✉ hvmvn@vnad.edu.vn
Liên hoan Múa Quốc tế ADF và hành trình Hợp tác Quốc tế năm 2024
20/01/2025
ThS Phạm Hồng Hải – Khoa Diễn viên Múa
Năm 2024, Học viện Múa Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong các Liên hoan Nghệ uật quốc tế, không chỉ nâng cao giá trị nghệ thuật múa Việt Nam mà còn góp phần thắt chặt quan hệ văn hóa quốc tế, bao gồm Liên hoan Múa Quốc tế ADF tại Hà Nội và các Liên hoan Nghệ thuật Múa ASEAN tại Ấn Độ và Malaysia. Những sự kiện này không chỉ là cơ hội để các nghệ sĩ, giảng viên, học sinh sinh viên(HSSV) của Học viện Múa Việt Nam thể hiện tài năng mà còn là hành trình hợp tác quốc tế sâu sắc, mở rộng mạng lưới giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Liên hoan Múa Quốc tế ADF là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử múa châu Á. Mặc dù Liên hoan thường niên được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, nhưng năm nay, Hà Nội vinh dự là nơi diễn ra sự kiện này. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện Múa Việt Nam và các đơn vị tổ chức, nhằm đưa nghệ thuật múa châu Á về gần hơn với công chúng Việt Nam.
Các nghệ sĩ tham dự Liên hoan Múa châu Á 2024.
Giám đốc nghệ thuật Liên hoan Múa châu Á 2024, ông Lee Chul-jin, chia sẻ rằng ông rất hạnh phúc khi trở lại Hà Nội, nơi ông từng có cơ hội giảng dạy tại Học viện Múa Việt Nam hai năm trước. Thông qua Liên hoan Múa châu Á 2024, ông mong muốn kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á qua nghệ thuật múa, tạo dựng mối quan hệ thấu hiểu lẫn nhau sâu sắc hơn. Liên hoan năm nay thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia, mang đến những tiết mục múa đặc sắc, vừa giữ gìn giá trị truyền thống vừa lồng ghép yếu tố đương đại, tạo ra sự giao thoa văn hóa độc đáo.
Các tác phẩm tham gia Liên hoan năm nay được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, thể hiện rõ nội dung tư tưởng, hình tượng nghệ thuật và sự đầu tư tìm tòi, sáng tạo trong cách thể hiện. Các yếu tố về cấu trúc tác phẩm, kết cấu ngôn ngữ múa , âm nhạc,... được đảm bảo. Kỹ thuật của diễn viên tốt và tương đối đồng đều. Có thể nói, Liên hoan đã mang đến những nét văn hoá dân tộc phong phú, phản ánh chân thực, sâu sắc, sinh động cuộc sống nhiều mầu sắc trong xã hội và con người của các quốc gia tham dự. Một số tác phẩm nổi bật như : Múa truyền thống" Jinju Gyobang Gutgeori Chum", múa quạt "Geomungo" của Hàn Quốc, Múa cổ điển "Baal Gopal Tarangam" của Ấn Độ, và Múa đương đại "52Hz" của Nhật Bản đã mang đến cho khán giả một bức tranh đa màu sắc về nghệ thuật múa châu Á.
Nghệ sĩ Cha Myung-hee với tác phẩm Gyobang Gutgeori Chum.
Các nghệ sĩ, diễn viên múa của Việt Nam mang đến nhiều mầu sắc cho chương trình bằng các tác phẩm chất lượng như "Dâng" tới từ thành phố Hồ Chí Minh. "Khúc biến tấu Cao Lan" của Nhà hát Nghệ thuật Dân gian Việt Bắc; "Mùa hoa ban nở", "Hy vọng", "Giác ngộ" và "Ngày qua ngày" của Học viện Múa Việt Nam. Các tiết mục này không chỉ thể hiện sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật mà còn phản ánh sự giao thoa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại trong múa Việt Nam. Liên hoan Múa Quốc tế ADF 2024 đã mang đến một tín hiệu tích cực cho việc thúc đẩy hợp tác nghệ thuật bền vững giữa các quốc gia châu Á, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của mỗi quốc gia.
Tiếp nối thành công của Liên hoan Múa Quốc tế ADF, đoàn nghệ thuật của Học viện Múa Việt Nam đã tham gia Liên hoan Nghệ thuật ASEAN lần thứ 11, được tổ chức tại thành phố Melaka, Malaysia vào tháng 10 năm 2024. Đây là một sự kiện lớn, được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật ASEAN, nhằm tôn vinh di sản văn hóa độc đáo của các quốc gia ASEAN.
Đoàn nghệ thuật Học viện Múa Việt Nam cùng thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Tạ Quang Đông
Liên hoan Nghệ thuật ASEAN 2024 không chỉ là cơ hội để các quốc gia trong khu vực giao lưu, học hỏi mà còn là dịp để thể hiện sự đoàn kết và tôn vinh sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng ASEAN. Đoàn nghệ thuật của Học viện Múa Việt Nam đã mang đến tiết mục múa "Những cô gái Việt Nam", một tiết mục nghệ thuật đặc sắc thể hiện nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam. Được biểu diễn trong không khí giao lưu văn hóa sôi nổi, tiết mục này đã thực sự thu hút sự chú ý và cảm mến của khán giả quốc tế.
Liên hoan này không chỉ là một dịp để các nghệ sĩ múa Việt Nam thể hiện tài năng mà còn là một cơ hội tuyệt vời để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các nghệ sĩ đến từ các quốc gia ASEAN. Những buổi tập luyện chung, các hoạt động giao lưu văn hóa và tham quan du lịch đã giúp các thành viên trong đoàn nghệ thuật của Học viện Múa Việt Nam có được những trải nghiệm quý báu, thắt chặt tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực.
Đoàn nghệ thuật Học viện Múa Việt Nam cùng với nghệ sĩ của các nước tham dự
Bên cạnh những thành công trong khuôn khổ ASEAN, đoàn nghệ thuật của Học viện Múa Việt Nam còn được mời tham gia Lễ hội Quốc tế Bali Yatra 2024 tại Ấn Độ, tổ chức tại bang Odisha. Đây là lần đầu tiên lễ hội Bali Yatra được mở rộng thành lễ hội quốc tế, với sự tham gia của nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Bhutan, Bangladesh, Sri Lanka, và Slovakia.
Đoàn Học viện Múa VN biểu diễn tại lễ hội
Lễ hội Bali Yatra là một sự kiện văn hóa lớn, nhằm tôn vinh sự vĩ đại của nền văn hóa Kalinga và thúc đẩy du lịch, kinh tế tại khu vực. Đoàn nghệ thuật của Học viện Múa Việt Nam đã tham gia biểu diễn với nhiều tiết mục múa và hát truyền thống, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ. Những tiết mục của đoàn đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao và thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.
Các thành viên đoàn Học viện múa Việt Nam nhận chứng nhận và kỷ niệm chương từ Ban tổ chức
Thông qua các Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế như Liên hoan Múa Quốc tế ADF, Liên hoan Nghệ thuật ASEAN và Lễ hội Quốc tế Bali Yatra, Học viện Múa Việt Nam đã không chỉ khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng nghệ thuật quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác văn hóa giữa các quốc gia. Những sự kiện này là minh chứng cho sức mạnh của nghệ thuật trong việc kết nối và xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, và tạo ra những cơ hội hợp tác bền vững trong tương lai.
Hy vọng rằng, với những thành công đã đạt được, Học viện Múa Việt Nam sẽ tiếp tục là ngọn cờ đầu trong việc phát triển nghệ thuật múa tại Việt Nam và trong khu vực, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp giao lưu văn hóa quốc tế.