HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Chất liệu âm nhạc dân gian trong một số tác phẩm nhạc múa Việt Nam 

01/01/2023

ThS. Bùi Phương Hảo 

Văn hóa truyền thống Việt Nam đã có một bề dày tiềm ẩn nội lực của văn hóa bản địa. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố, văn hóa luôn phát triển mạnh mẽ có nhiều thành tựu. Truyền thống văn hóa Việt Nam được các yếu tố bên ngoài bồi bổ và bản địa hóa để hình thành truyền thống văn hóa bản địa đặc sắc. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng vậy, những chủ thể sáng tạo đã tiếp thu những nhân tố bên ngoài và kết hợp hài hòa với văn hóa bản địa để tạo ra những sắc tố mới mang nét đặc trưng tiêu biểu. Nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trong đó có âm nhạc thính phòng giao hưởng, cũng luôn có định hướng rõ ràng của Đảng và Nhà nước trên phương châm “dân tộc - khoa học - đại chúng” và ngày nay là sự “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam bắt đầu hình thành, phát triển từ cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Từ đây đã có nhiều nhạc sĩ được gửi đi học tập ở các nước trên thế giới. Đây là một điều kiện tốt để các nhạc sĩ Việt Nam tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc trên thế giới rồi từ đó chắt lọc ra những qua điểm thẩm mỹ và trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng cùng tồn tại. Bên cạnh sự phát triển của âm nhạc thính phòng giao hưởng thì mảng sáng tác nhạc cho múa cũng phát triển mạnh mẽ. Từ định hướng của Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc năm 1953 với phương châm xây dựng một nền Văn hóa nghệ thuật mang tính dân tộc khoa học đại chúng, các nhạc sĩ Việt Nam đã dần dần định hình con đường sáng tác cho một khuynh hướng âm nhạc mới nói chung và âm nhạc cho múa nói riêng, trên cơ sở kế thừa những tinh hoa âm nhạc trên thế giới kết hợp với những nét độc đáo của âm nhạc dân gian. Việt Nam là một đất nước gồm 54 dân tộc sinh sống và sự đa dạng của loại hình âm nhạc dân gian đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc. Âm nhạc dân gian là một thuật ngữ thường được dùng để phân biệt với âm nhạc chuyên nghiệp. Do đó âm nhạc dân gian có những nét độc đáo riêng như âm nhạc dân gian mang tính khuyết danh, không có tên tác giả cụ thể, không có bài bản gốc, được ghi lại bằng văn bản ký tự. Âm nhạc dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng những phương tiện truyền miệng, truyền ngón, truyền nghề. Vì vậy âm nhạc dân gian có tính dị bản cao. Biểu diễn âm nhạc dân gian và thưởng thức âm nhạc dân gian đều là một cộng đồng người không có sự phân biệt sang, hèn, cao, thấp. Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc đó cũng là yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng. 

Theo nhận định của PGS. Tô Vũ “Trên cơ sở của nghệ thuật dân gian những hình thức và thể loại truyền thống Việt Nam chủ yếu dựa trên thanh nhạc mà lối hát luôn gắn bó với thơ ca dân tộc. Các thể loại như hát ru, ngâm, kể, nói thơ, hò, vè, lý... đều đặn trên các lối thơ 4 từ, 5 từ, hoặc 6 - 8 (lục bát). Khí nhạc thường phụ họa cho thanh nhạc khi là khí nhạc thuần túy (Không kèm theo hát) nó thiên về hòa tấu hơn là độc tấu và phổ biến nhất là các loại hình tổng hợp cả hát, múa và nhạc”[100, tr.33]. Đây cũng chính là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu nhiều hơn về chất liệu dân gian qua dân ca Việt Nam. Âm nhạc dân gian Việt Nam bao gồm các loại hình như: dân ca (bài hát dân ca) dân nhạc (bài nhạc dân gian cho nhạc cụ diễn tấu) và dân vũ (điệu múa dân gian). Trong đó dân ca chủ yếu chiếm đa số trong kho tàng âm nhạc dân gian. Dân ca Việt Nam là dân ca các dân tộc Việt Nam nên có đặc điểm rất phong phú. Tuy nhiên khi nói đến chất liệu âm nhạc dân gian ngoài những bài dân ca, còn thêm các chất liệu về dân nhạc, dân vũ. Ví dụ như các bài nhạc: “Lưu thủy Kim Tiền”, “Xuân Phong”, “Long Hổ”, “Tấu mã” trong âm nhạc cung đình Huế, điệu múa “Xòe”, múa “Sạp”của dân tộc Thái... 

PGS. Tú Ngọc đã có một cách nhìn về dân ca “dân ca là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian. Sinh hoạt ấy gắn với những môi trường nhất định, đồng thời mang tính đặc thù về thẩm mỹ” [51, tr.8]. 

Việt Nam là một đất nước có sự phong phú đa dạng của các loại hình âm nhạc dân gian đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc. Chúng ta có thể bắt gặp trong những tác phẩm lấy chất liệu âm nhạc H’Mông, người Thái ở vùng cao Tây Bắc, chất liệu dân ca quan họ Bắc Ninh hoặc những làn điệu Chèo là sự tinh túy của người Việt ở vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Chất liệu của các điệu hò ở miền Trung, chất liệu âm nhạc Tây Nguyên ở vùng cao nguyên, chất liệu âm nhạc của người Nam Bộ ở miền Nam. 

Khai thác một nét giai điệu nhịp điệu âm hình dân ca. Đây là một phương pháp sáng tác điển hình hay được các nhạc sĩ khai thác. Trước hết chúng tôi đề cập đến những tác phẩm có chủ đề dựa trên nét giai điệu của dân ca. 

Chủ đề dựa trên nét giai điệu dân ca 

Dạng này có thể gọi là cải biên dân ca ở dạng cải biên, tác phẩm sẽ không giống như dạng chuyển thể mà khi đó sẽ chỉ còn một vài nét giai điệu, âm hình nổi bật của bài dân ca trong tác phẩm. Với những phương pháp này, nhạc sẽ phát huy được khả năng sáng tạo của mình thông qua kết hợp giữa chất liệu âm nhạc dân gian với các nhạc cụ phương Tây. Có thể thấy số lượng tác phẩm viết theo cách này khá nhiều. 

Một trong những sáng tác theo phương pháp này tác phẩm “Những cánh hoa xuân” của nhạc sĩ Doãn Tiến sáng tác cho dàn nhạc dân tộc. Phần hai Allegretto, tác giả sử dụng âm sắc của đàn Tính, giai điệu chủ đề xây dựng từ bài “Con đường về Thái - hát Then Bắc Cạn” dân ca dân tộc Tày. 

Ví dụ: 

Điệu múa “Bật quạt” âm nhạc Nguyễn Văn Thương được tác giả xây dựng dựa trên nét giai điệu của bài “Bóng em” dân ca Chăm. Tuy nhiên tác giả đã cải biên với nét giai điệu không có những nốt hoa mỹ, nhịp điệu chậm rãi. 

Ví dụ: 

Cũng sử dụng chất liệu bài dân ca “Con đường về Thái - hát Then Bắc Cạn” nhưng ở tác phẩm nhạc múa “Hội Then” của nhạc sĩ Đôn Truyền, chủ đề được sử dụng bằng bốn giọng hát nữ để trình bầy phần lời của giai điệu, tuy nhiên lời ca không giống như ở bài “Con đường về Thái” mà đã được nhạc sĩ đặt lời khác phù hợp với nội dung của điệu múa. 

Ví dụ: 

Nếu như ở tác phẩm “Hội Then” nhạc sĩ Đôn Truyền sử dụng bốn giọng hát nữ để làm nhiệm vụ hát giai điệu chủ đề. Thì trong tác phẩm “Khúc dạo đàn Then” nhạc sĩ Đôn Truyền sử dụng nét giai điệu bài “Xuân đến” dân ca dân tộc Tày, để xây dựng chủ đề trên âm sắc của sáo ở thang năm âm (rê, mi, son, la, si). So với giai điệu bài dân ca “Xuân đến” thì trong “Khúc dạo đàn Then” chúng tôi thấy tác giả sử dụng một loại nhịp cố định 2/4. Giai điệu được diễn tấu ở âm sắc của Sáo, đàn Nhị và đàn Tứ tạo cho màu sắc dân tộc được trở nên phong phú hơn. 

Ví dụ: 

Trong tác phẩm “Đi hội mùa xuân” sáng tác cho dàn nhạc dân tộc của nhạc sĩ Xuân Hòa, Phần B chủ đề sử dụng nét gai điệu bài “Mùa xuân về” mang tính chất âm nhạc tươi vui. Trong không gian im lặng của dàn nhạc, bỗng chốc nổi lên âm thanh ngọt ngào của kèn Oboe tạo cho tác phẩm như có được điểm nhấn trong cách sáng tạo của nhạc sĩ truyền tải tới người nghe. 

Ví dụ: 

Ở bài “Giã cốm đêm trăng” nhạc sĩ Đôn Truyền sáng tác cho dàn nhạc, sử dụng nét giai điệu của bài “Gà gáy te te” dân ca Cống Khao. Tuy nhiên trong bài “Giã cốm đêm trăng” nhạc sĩ đã sử dụng kỹ thuật điệp nốt nhắc lại nốt si ở ô nhịp số 9. 

Ví dụ:

Một trong tác phẩm nhạc múa “Hà Nhì” sang nhịp 61 giai điệu chủ đề sử dụng bài “Chề chu ý chề” dân ca dân tộc Hà Nhì, tác phẩm với tốc độ vừa phải (Moderato) nhịp 2/4. 

Ví dụ: 

Ở tác phẩm “Múa Dao” nhạc sĩ Doãn Tiến sử dụng nét giai điệu bài “Dung Pái - Hỏi nhau” dân ca dân tộc Dao. Nếu ở bài dân ca “Dung Pái - Hỏi nhau” là sự kết hợp của nhịp 6/8 và 3/8 thì trong tác phẩm “Múa Dao”, tác giả thay đổi ở nhịp 2/4 mang tính chất tươi vui. Phần hai, chủ đề thay đổi giai điệu phát triển từ bài “Mùa xuân về” dân ca Dao nhịp 4/4, tốc độ nhanh Allegro. 

Ví dụ: 

Trong tác phẩm “Những cô gái Chăm” của nhạc sĩ Trần Quý, trong phần F và phần G (theo đề mục của tác giả). Ở phần F, chủ đề được phát triển từ nét dân ca “Ngôi sao sáng” dân tộc Khơ Me. Sau đó chuyển sang phần G chủ đề âm nhạc trong phần này phát triển từ nét dân ca “Người tình ơi - Kthơng Gloonglơi”. 

Sự phát triển phong phú và đa dạng của âm nhạc dân gian đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ. Qua phần trình bày ở trên, chúng tôi nhận thấy ở bất cứ thành tố nào để hình thành nên một tác phẩm nhạc múa, các nhạc sĩ Việt Nam cũng đều chú trọng đến việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian. 

Trong tác phẩm nhạc múa, khi xây dựng chủ đề yếu tố âm nhạc dân gian được khai thác bằng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp sử dụng nét giai điệu của bài dân ca làm chủ đề trong những sáng tác cho dàn nhạc, dàn nhạc dân tộc, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, piano. 

Việc sử dụng nét giai điệu của bài dân ca qua quá trình phân tích chúng tôi thấy giai điệu bài dân ca chủ yếu ở một số dân tộc như: Tày, Chăm, Dao, Cống Khao, Quan họ Bắc Ninh. Ngoài ra âm nhạc cho múa có cách dùng khá mới cho việc khai thác từ một nét nhạc của điệu múa dân gian Việt Nam, có thể coi như sự tương đồng giữa múa và âm nhạc đó là sự hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Ở phương pháp này một số nhạc sĩ đã sử dụng của điệu múa dân gian dân tộc Thái, Tày... 

Phương pháp sử dụng âm hưởng dân gian của một bài dân ca qua cách tiến hành các quãng đặc trưng và tiết tấu của bài dân ca. 

Sự phát triển phong phú và đa dạng của âm nhạc dân gian đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ. Qua phần trình bày ở trên, chúng tôi nhận thấy ở bất cứ thành tố nào để hình thành nên một tác phẩm nhạc múa, các nhạc sĩ Việt Nam cũng đều chú trọng đến việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian. 

Trong tác phẩm nhạc múa, khi xây dựng chủ đề yếu tố âm nhạc dân gian được khai thác bằng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp sử dụng nét giai điệu của bài dân ca làm chủ đề trong những sáng tác cho dàn nhạc, dàn nhạc dân tộc, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, piano. 

Việc sử dụng nét giai điệu của bài dân ca qua quá trình phân tích chúng tôi thấy giai điệu bài dân ca chủ yếu ở một số dân tộc như: Tày, Chăm, Dao, Cống Khao, Quan họ Bắc Ninh. Ngoài ra âm nhạc cho múa có cách dùng khá mới cho việc khai thác từ một nét nhạc của điệu múa dân gian Việt Nam, có thể coi như sự tương đồng giữa múa và âm nhạc đó là sự hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Ở phương pháp này một số nhạc sĩ đã sử dụng của điệu múa dân gian dân tộc Thái, Tày... 

Phương pháp sử dụng âm hưởng dân gian của một bài dân ca qua cách tiến hành các quãng đặc trưng và tiết tấu của bài dân ca. 

Tóm lại việc sử dụng chất liệu dân gian và ngoài dân gian trong âm nhạc muá là sự nỗ lực và sáng tạo của các nhạc sĩ Việt Nam. Các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho múa đã tạo dựng được một xu hướng sáng tác sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các kỹ thuật sáng tác phương Tây và những đặc điểm riêng của âm nhạc dân gian Việt Nam. Đây có thể được xem như sự lựa chọn nghiêm túc đúng đắn và khoa học để âm nhạc múa có thể đến gần với công chúng yêu nhạc và đồng thời là động lực phát triển cho nghệ thuật múa. Qua đó giúp cho các nhạc sĩ Việt Nam từng bước đưa những sáng tác âm nhạc cho múa trở thành những tác phẩm độc lập được đón nhận nồng nhiệt trên các sân khấu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.