HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Sự khác biệt giữa nghệ thuật biểu diễn hiện đại với nghệ thuật biểu diễn đương đại Việt Nam 

01/01/2023

TS. NSƯT. Trần Văn Hải 

1. Suy luận nghệ thuật và sân khấu nghệ thuật đương đại 

Mọi người có cách hiểu chung, nghệ thuật đương đại là cái đang diễn ra ở thì hiện tại như: âm nhạc, nhảy múa và sân khấu, thuộc về nghệ thuật biểu diễn, hội họa, xiếc, thời trang, nghệ thuật thị giác, video nghệ thuật... là thuộc về nghệ thuật trình diễn của thời đại ngày nay. Nhưng khái niệm nghệ thuật đương đại không đơn giản như thế, vì mỗi người lại có lối suy luận khác nhau, nhiều người hay gọi nghệ thuật đương đại là hiện đại và đồng nhất giữa nghệ thuật Hiện đại với nghệ thuật Đương đại. 

Những người làm nghiên cứu lý luận nghệ thuật ai cũng biết nghệ thuật hiện đại ra đời năm 1860, theo nền công nghiệp hiện đại tính từ khi phát minh máy hơi nước và kết thúc năm 1970 [theo Wikipe dia.org tháng 12-2020] cùng với sự phát triển kỹ thuật máy công nghiệp nặng đã tạo ra ba nền văn minh: văn minh máy công nghiệp, văn minh đô thị nhà ở và văn minh tốc độ. Sau sự kết thúc nghệ thuật hiện đại đã ra đời nền nghệ thuật đương đại vào năm 1970 [theo Wikipedia.org]. Theo thông lệ mọi người thường gọi chung là nghệ thuật đương đại, nhưng các nhà chuyên môn thì phải phân chia ra hai trào lưu: nghệ thuật đương đại khác với nghệ thuật hiện đại. Nghệ thuật đương đại mới lạ, hấp dẫn bởi nó thay đổi thói quen xem nghệ thuật hiện đại của công chúng. Nghệ thuật đương đại biến tất cả các chuyên ngành: âm nhạc, nhảy, múa, sân khấu… mang tính nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tổng hợp: Nghe-nhìn. Nghệ thuật đương đại có phương pháp sáng tác, cấu trúc tác phẩm và quan niệm mỹ học khác với nghệ thuật hiện đại. 

Nghệ thuật biểu diễn hiện đại với ba thành phần sân khấu cơ bản là: Tác phẩm - diễn viên - công chúng. 

Nghệ thuật biểu diễn đương đại quan niệm biểu diễn với năm thành phần cơ bản là: Tác phẩm - diễn viên - không gian nghệ thuật - kỹ thuật công nghệ máy tính - công chúng. 

Tại Việt Nam nghệ thuật đương đại đã xuất hiện trên 30 năm (1989). Sau đổi mới, mở cửa hội nhập toàn cầu hóa, Nhà nước cho phép giới thiệu nhiều trào lưu NT đương đại ở Mỹ, Úc, Pháp… cùng các nước phát triển đã tác động ảnh hưởng vào văn nghệ sỹ và công chúng nước ta, tạo điều kiện ra đời nền nghệ thuật đương đại Việt Nam từ tiếp nhận phi truyền thống đến biến đổi tạo dựng bản sắc văn hóa truyền thống nghệ thuật đương đại Việt Nam trong thời đại mới. Sau hội nhập mở cửa tiếp nhận quan hệ đa phương làm thay đổi cấu trúc kinh tế, chính trị xã hội đã ra đời các hoạt động nghệ thuật tư nhân, đầu tiên là các ban nhạc tư nhân ra đời từ năm 1988 như Band nhạc: Ba con mèo, band nhạc Con gái, Band nhạc Mắt ngọc, Ban nhạc 1088, Band Quả dưa hấu, Band nhạc Bức tường (The Wall), band Tam ca 3A, Tam ca áo trắng... Sau âm nhạc là vũ đoàn múa tư nhân như Ban Ngón chân cái (The Big toe), năm 1993 tại Hà Nội, Vũ đoàn Arabestque, Vũ đoàn ABC năm 1993 tại thành phố HCM, sau đó ra đời cả trăm nhóm nhảy múa chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp như: Vũ đoàn Kim Quy, Vũ đoàn Game, Nhóm nhảy 54... tiếp đến các đoàn kịch tư nhân: Sân khấu Ca nhạc hài kịch Trống đồng, Đoàn kịch 5b đường Võ Văn Tần, Sân khấu kịch Iddecaf, Sân khấu kịch Sài Gòn, sân khâu kịch Thế Giới trẻ, Nhà hát Kịch Hồng Vân... Những band nhạc, Vũ đoàn, đoàn kịch, nhà hát kịch tư nhân đã cho ra đời nền nghệ thuật đương đại, sân khấu đương đại Việt Nam, phát triển nhiều trào lưu khuynh hướng nghệ thuật mới mang tính dân tộc đương đại; mỗi nhà hát nghệ thuật, đoàn kịch, vũ đoàn tư nhân ra đời mang phong cách nghệ thuật biểu diễn riêng để doanh thu tồn tại trong cơ chế kinh tế nghệ thuật thị trường. 

Vì thế những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn đương đại có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau về nội dung hình thức tác phẩm, có tác giả theo trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới, có tác giả Việt Nam hóa các trào lưu đương đại mang phong cách một khuynh hướng, hướng đi riêng của mình. Theo trào lưu nghệ thuật biểu diễn đương đại thế giới thường cấu trúc những tác phẩm mảng khối, phi văn chương, gọi chung là cấu trúc hình thức những mảnh vỡ sự kiện cảm xúc phi tự sự hiện thực, không có mâu thuẫn, xung đột kịch, hay tính cách nhân vật kịch, không có nhân vật chính, nhân vật phụ, có trung tâm hoặc phi trung tâm, mà biểu hiện ngôn ngữ hành động tạo hình ảnh bằng động tác chuyển động hình thể của người diễn viên cảm xúc liên văn bản... “Cảm xúc liên văn bản” là một phát hiện mới của giới nghiên cứu lý luận nghệ thuật thế kỷ XXI, bởi từ một văn bản chính của tác phẩm kịch mang ý tưởng nghệ thuật không hoàn chỉnh... khi lên sân khấu biểu diễn, người diễn viên cùng các thành phần sáng tạo nghệ thuật và khán giả tiếp tục đồng sáng tạo để hoàn thiện tác phẩm kịch bản mang ý tưởng nghệ thuật của tác giả. Liên văn bản nghĩa là từ một văn bản chính người diễn viên biểu diễn truyền cảm xúc đến những người đồng sáng tạo nghệ thuật thành một văn bản tiếp theo và còn nhiều văn bản của liên văn bản trong khởi tạo tác phẩm nghệ thuật, bởi đó là những cấu trúc mở trong tác phẩm phải khi biểu diễn trên sân khấu mới hoàn thiện nội dung, ý tưởng nghệ thuật của tác giả về đời sống con người xã hội đương đại, hay phản ánh về thế giới tự nhiên bằng các nền văn hóa khác nhau của từng thời đại. 

Từ nội dung tác phẩm nghệ thuật biểu diễn đương đại, sinh ra hình thức cấu trúc tác phẩm là những mảnh vỡ sự kiện, liên kết hoặc không liên kết logich, biểu đạt bằng ngôn ngữ hình thể của diễn viên, bằng hành động hình ảnh... Vậy nên hiểu những khác biệt của sân khấu nghệ thuật biểu diễn hiện đại và nghệ thuật biểu diễn đương đại là gì? Khác nhau như thế nào? 

2. Những khác biệt giữa nghệ thuật biểu diễn hiện đại 

Với nghệ thuật biểu diễn đương đại Việt Nam: 

Việt Nam sau đổi mới năm 1986, sang giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa năm 1996, nghệ thuật hiện đại, đương đại, sân khấu BDNT đương đại có nhiều khuynh hướng với nhiều trào lưu nghệ thuật khác nhau như một số viện dẫn dưới đây: 

Trào lưu thứ nhất, những nhà biên kịch, biên đạo “cây đa”, “cây đề”, họ không thể thay đổi bút pháp phương pháp sáng tác, nên họ sáng tác theo phong cách hiện đại phản ánh hiện thực đời sống con người, xã hội đương đại, theo hệ mỹ học cái đẹp: Chân - Thiện - Mỹ. 

Trào lưu thứ hai, một số người tiếp cận với nền nghệ thuật đương đại, hoặc đi học Mỹ, Australia, Pháp… và các nước phát triển về họ sáng tác theo cấu trúc tác phẩm nghệ thuật đương đại. Tác phẩm nghệ thuật phi văn chương, có nhân vật chính, hoặc không có nhân vật chính, mâu thuẫn xung đột nội tâm biểu hiện bằng hành động nhân vật, với nghệ thuật kịch thì không có lời đối thoại chỉ sử dụng hư từ, hoặc lời dẫn giải nối ghép các mảnh vỡ sự kiện, cấu trúc hình thức tác phẩm kịch bản là những mảng khối, hay gọi là những mảnh vỡ sự kiện. 

Trào lưu thứ ba, những sáng tác nửa hiện đại và đương đại thịnh hành ở các đoàn nghệ thuật xã hội hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Những tác phẩm nghệ thuật này thường theo phương pháp sáng tác hiện đại, cấu trúc tác phẩm theo chương hồi, hoặc mảng khối nhưng có nhân vật chính, nhân vật phụ...như tác phẩm kịch hiện đại, còn về nội dung thì tác giả đã thay đổi, nhiều tác phẩm không phản ánh hiện thực xã hội mà giả tưởng hiện thực gồm nhiều thể loại như: giả tưởng, Broad Way, kinh dị ma quái, ẩn dụ huyền bí... đánh vào tâm lý người xem thích khám phá mới lạ, dẫn giải câu chuyện ly kỳ rùng rợn... Sân khấu nghệ thuật biểu diễn đương đại xã hội hóa ở phương Nam gọi là NTBD SK đương đại đã chuyển hướng sáng tác và phương pháp nghệ thuật, đó là các trào lưu sân khấu đương đại không phản ánh hiên thực xã hội như phương pháp nghệ thuật hiện đại. 

Sự thật thì nhiều trào lưu tác phẩm nghệ thuật đương đại, các tác giả không viết, sáng tác theo quan niệm cấu trúc văn chương tu từ hình tượng, giàu hình ảnh, chiết lý xã hội, cuộc đời… như phương pháp nghệ thuật hiện đại, các tác giả thường đưa vào nội dung ngôn ngữ đời thường, văn hóa thị dân, ngôn ngữ nghệ thuật pop art, đại chúng hóa, đó là đặc trưng văn hóa nghệ thuật đương đại hiện nay. Đây là đặc điểm khác biệt của nghệ thuật đương đại Việt Nam, các tác giả không cấu trúc tác phẩm bằng những mảnh vỡ sự kiện, hoặc một số tác giả cấu trúc tác phẩm bằng các mảnh vỡ sự kiện, sắp xếp logich hay rời rạc, độc lập phi logich đặt cạnh nhau để người xem tự hoàn thiện vở diễn trên sân khấu nghệ thuật biểu diễn của diễn viên sáng tạo với công chúng. Những đặc điểm cơ bản của NTHĐ đó là: 

Thứ nhất, nghệ thuật biểu diễn hiện đại cấu trúc tính kịch rõ ràng, đưa rõ nội dung trình tự câu chuyện có hệ thống nhân vật mâu thuẫn, xung đột ba cấp và kết thúc hoàn thiện tác phẩm kịch bản văn học. 

Thứ hai, nghệ thuật biểu diễn hiện đại là những kịch bản văn chương đối thoại giữa các nhân vật dẫn giải câu chuyện kịch để người xem hiểu rõ tư tưởng, nội dung tác phẩm kịch phản ánh hiện thực đời sống con người, xã hội của tác giả. 

Thứ ba, nghệ thuật biểu diễn hiện đại đồng nhất người xem nhận thức về cấu trúc hình thức, cấu trúc nội dung mang thông điệp tư tưởng và mỹ học trong tác phẩm nghệ thuật hiện đại. 

Những tác phẩm nghệ thuật hiện đại, ngợi ca con người, lý tưởng xã hội, tin vào chân lý tuyệt đối của hiện thực về khả năng vô hạn của con người hiện đại đang làm chủ tự nhiên, xã hội để hướng đến tương lai lạc quan tươi sáng trong xã hội hiện đại. 

Nghệ thuật đương đại có nhiều trào lưu khuynh hướng khác nhau, gồm đặc điểm cơ bản sau: 

Thứ nhất, nghệ thuật đương đại Việt Nam hầu như gần hết các tác phẩm không phản ánh hiện thực xã hội, mà đi vào các tưởng tượng phi hiện thực, giả tưởng, ẩn dụ… 

Thứ hai, không phản ánh hiện thực đời sống con người xã hội đương đại, mà khám phá những cảm giác mới lạ trong thế giới siêu hình, mang tâm trạng con người đương đại về sự đột biến bất ngờ… một số trào lưu khác phản ánh cuộc sống đời thường của người lao động, sinh hoạt tình yêu, vui hài trong giới trẻ, ngôn ngữ văn hóa thị dân nghệ thuật đại chúng pop art. Thứ ba, NTBD đương đại không cấu trúc tác phẩm hoàn thiện mà để người xem cùng diễn viên đồng sáng tạo tự nhận biết hoàn thiện vở diễn theo suy luận văn hóa, kinh nghiệm nghệ thuật riêng của mỗi người. Những khác biệt giữa NTBD hiện đại với NTBD đương đại là sự thay đổi nhận thức của tác giả, diễn viên, và công chúng về kịch bản biểu diễn sân khấu, đổi mới phương pháp sáng tác t/p nghệ thuật không tuân thủ những nguyên tắc, quy tắc cấu trúc nội dung, cấu trúc hình thức như nghệ thuật hiện đại. 

Đặc trưng của sự khác biệt giữa nghệ thuật biểu diễn hiện đại với nghệ thuật biểu diễn đương đại Việt Nam là về phương pháp nghệ thuật, nhiều tác giả không tuân thủ phương pháp sáng tác hiện thực xã hội của nghệ thuật hiện đại mà đi tìm hướng thể hiện mới. Tuy nghệ thuật đương đại Việt Nam chưa thật sự hội nhập, hòa nhập với nghệ thuật đương đại thế giới nhưng đang là những bước thay đổi phương pháp sáng tác, phương pháp nghệ thuật biểu diễn và nội dung thể hiện tác phẩm nghệ thuật đương đại. 

Hiện nay nhiều đoàn nghệ thuật, nhà hát xã hội hóa đang loay hoay tìm hướng thể hiện sáng tác tác phẩm nghệ thuật đương đại, nhằm đáp ứng công chúng để doanh thu tồn tại trong nền kinh tế, nghệ thuật thị trường mang đến sự đa dạng văn hóa và những khác biệt của nghệ thuật đương đại Việt Nam thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa.