HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế về hoạt động nghệ thuật múa dân gian ở xã hội đương đại - Thành công và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

01/01/2023

TS.NGƯT. Nguyễn Thúy Nga

Trong lịch sử phát triển của một số quốc gia đã chỉ ra một thực tế là nếu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa sẽ dẫn đến mất cân đối và đó là sự phát triển không bền vững. Cái giá phải trả cho vấn đề này là rất lớn. Văn hóa nói chung trong đó có văn hóa phi vật thể nói riêng là tinh hoa ngàn đời của một dân tộc, ở đó thể hiện một cách tập trung nhất, đầy đủ và toàn diện nhất bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Đó là vốn quý, là tài sản của quốc gia, của dân tộc trong hành trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa đó là hướng đi phù hợp nhất đối với mỗi quốc gia muốn phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập. 

Di sản văn hóa của mỗi dân tộc là kết tinh những giá trị tinh túy của nhiều thế hệ đi trước và cần phải được kế thừa và phát huy, nhất là trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay. Phát huy không chỉ là cách bảo tồn tốt nhất mà nó còn giúp cho di sản văn hóa thêm phong phú hơn, đa dạng hơn và giàu có hơn. Nghệ thuật múa dân gian Việt Nam là một di sản văn hóa phi vật thể đã phản ánh được vẻ đẹp tinh túy, tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Di sản văn hóa đó cần phải được bồi đắp không ngừng trong dòng chảy của lịch sử dân tộc nếu chúng ta có ý thức gìn giữ và trân trọng nó. Do đó vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đó đồng thời phát huy các giá trị của di sản văn hóa này đối với sự phát triển toàn diện của đất nước trong xã hội đương đại. Nhiệm vụ quan trọng là chúng ta cần phải làm cho di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Múa dân gian Việt Nam” tiếp tục được nuôi dưỡng, tỏa sáng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn phù hợp với chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

Trước những biến động của hoàn cảnh sống, nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa đã thừa nhận, quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ của các công nghệ hiện đại, quá trình giao lưu văn hóa đã và đang diễn ra rất nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống của dân tộc đang đứng trước những thách thức lớn do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng và nhất là hiện nay trong bối cảnh chung của thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của xã hội đã trở nên càng phổ biến. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng gay gắt cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân nên di sản văn hóa phi vật thể rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. 

Một điều đáng mừng là trong những năm gần đây, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, đã diễn ra sự "phục hưng" trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán có lúc bị xem thường đang dần dần được khôi phục. Hơn lúc nào hết, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang trở nên ngày càng bức thiết và đây không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống phải dựa trên nguyên tắc lựa chọn và duy trì nguyên vẹn những cái gì và trong đó cái gì cần phải dẹp bỏ và cái gì cần phải được bổ sung và làm mới. 

Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập vấn đề phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc lại càng trở nên cần thiết. Nhiều quốc gia tiến bộ nhanh và thành công đều dựa trên việc phát huy lợi thế, đặc sắc về văn hóa của đất nước mình và xác định văn hóa là yếu tố cốt lõi, là động lực mới cho sự phát triển đất nước. Ở Việt Nam, một trong những biểu hiện của việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề bảo tồn, giữ gìn, phát huy nền văn hóa dân tộc. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 09/ CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa; Nghị định số 73/1999/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đó có nghệ thuật múa dân gian Việt Nam, ngoài việc bảo tồn, phát huy theo cách làm trước đây, chúng ta cần phải học tập kinh nghiệm từ các nước trong khu vực Đông Nam Á về bảo tồn di sản múa trong các lễ hội cổ truyền. Từ đó, giúp người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, giá trị của nghệ thuật múa dân gian trong nền văn hóa nói chung, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước vững mạnh. 

1. Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về hoạt động múa dân gian ở xã hội đương đại 

Đông Nam Á là khu vực có nền văn hóa lâu đời được tạo nên từ nhiều mối quan hệ và mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Trong kho tàng văn hóa đồ sộ ấy dẫu có nhiều yếu tố chung làm nên cái gọi là văn hóa Đông Nam Á song cũng có không ít những yếu tố đặc sắc, riêng biệt tiêu biểu cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. 

Ngôi nhà chung của Liên hiệp các Quốc gia Đông Nam Á “Asociation of Southeast Asian Nations” được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 tại Bangkok Thái Lan với 5 thành viên quốc gia ban đầu là Indonesia, Ma laysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Vào năm 1984, Brunei Darussalam được nhận là thành viên thứ sáu. Đến năm 1995,Việt Nam cũng gia nhập ASEAN. Lào và Myanmar đã trở thành thành viên ASEAN vào năm 1997. Campuchia gia nhập năm 1999. Đến nay, ASEAN có 11 thành viên chính thức: Indonesia, Malay sia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timo và Việt Nam. Từ đó đến nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã cùng nhau đoàn kết xây dựng một Đông Nam Á vững mạnh theo các mục tiêu: Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua hợp tác chung giữa các nước thành viên; duy trì hòa bình và ổn định khu vực; xây dựng ASEAN là 1 tổ chức Liên minh chính trị - kinh tế của khu vực. 

Với hơn 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN đã tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng giữa các nhà lãnh đạo để đưa ra các qui ước chung về xây dựng một Đông Nam Á ngày càng phát triển ngang tầm thế giới. Cuộc hội thảo “10 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo tồn văn hóa phi vật thể” - bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai đã thu hút hàng chục nhà nghiên cứu, bảo tồn di sản tên tuổi từ khắp nơi trên thế giới đến chia sẻ kinh ng hiệm và đưa ra những ý kiến giá trị về thực trạng của việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiện nay. Tại hội thảo Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bhutan… là những nước ở Châu Á đã rất thành công trong việc bảo tồn và phát triển nhiều mô hình bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, mà kinh nghiệm của họ là phải làm cụ thể với từng mô hình. 

Gần gũi với Việt Nam, Myanmar là một nước đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa thông qua các cộng đồng liên quan, mặc dù nước này chưa ký và thông qua Công ước. Ông San Win, thuộc Bộ Văn hóa Myanmar chia sẻ những kinh nghiệm hết sức cụ thể của Myanmar, trong đó quan trọng nhất là giáo dục thế hệ trẻ, gắn vai trò bảo tồn văn hóa với sợi dây kết nối giữa thế hệ cũ với thế hệ mới. Ông San Win cho biết, với mục tiêu bảo vệ và phổ biến di sản văn hóa Myanmar, những việc cần làm được đưa ra một cách rất cụ thể là: Nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa, ví dụ như những ngôi chùa cổ, bia đá chạm khắc, những ấn phẩm gốc và những ấn phẩm trên giấy Parabaik, những công trình kiến trúc cổ và các loại hình trang trí, duy trì, phổ biến và phục hồi nền văn học Myanmar, âm nhạc, múa, trình diễn sân khấu theo phong cách Myanmar, bảo tồn, duy trì và phát triển nghệ thuật Myanmar và nghề thủ công theo phong cách truyền thống, mặc trang phục Myanmar phù hợp với văn hóa truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ Myanmar biết cách cư xử, nói năng phù hợp với những lời khuyên, lời giảng trong tôn giáo, của giáo viên và cha mẹ… Trong đó, vai trò của Bộ Văn hóa Myanmar được đặt lên hàng đầu, với những trách nhiệm chính đang được thực hiện là bảo tồn di sản văn hóa Myanmar để phong cách và văn hóa Myanmar phổ biến rộng rãi, tạo ra các sản phẩm, công trình nghệ thuật, thúc đẩy sự tiến bộ của nhà nước và công chúng, giúp các nghệ sĩ tạo ra những sản phẩm nghệ thuật không chỉ để giải trí mà còn để nâng cao hiểu biết, giáo dục công chúng thấm nhuần những quan điểm phổ biến, phát triển tính đoàn kết, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước trong người dân, loại trừ những nét xấu trong nền văn hóa, phát triển tinh thần dân tộc trong việc quảng bá văn hóa. Một thành viên ASEAN khác là Indonesia lại đưa ra những kinh nghiệm bảo tồn dựa trên cơ sở hợp tác với các nước khác, cụ thể là múa rối bóng, một loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở Indonesia và các nước ASEAN khác. Từ năm 2006, Indonesia bắt đầu đưa ra sáng kiến hợp tác ASEAN đối với bảo tồn múa rối (ở Indonesia, múa rối còn có tên gọi là Wayang), thông qua trao đổi các nghệ sĩ múa rối trong mỗi một nước của 10 nước ASEAN. Liên hoan múa rối lần đầu tiên của các nước ASEAN đã được tổ chức ở Gedung Pewayangan Kautaman ở Jakarta vào tháng 12 năm 2006. 

Tuy không nằm trong khu vực Đông Nam Á nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh về kinh tế, đồng thời luôn quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực châu Á. 

Trước hết, ta xem xét về kinh ng hiệm bảo tồn di sản nghệ thuật múa truyền thống ở Nhật Bản. Nhật Bản là một quốc gia nằm ở Bắc Á, có tính đồng nhất về bản sắc và văn hóa. Đặc biệt, văn hóa dân tộc Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với văn hóa Việt Nam. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc trưng tiêu biểu của Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt - Nhật giới thiệu đến công chúng Việt Nam trong những năm vừa qua. Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật múa ở Nhật Bản đã tồn tại trong nhiều thế kỷ mà vẫn còn giữ được nguyên gốc như thời mới ra đời. Nhà nước và các tổ chức xã hội ở Nhật Bản đã biết phối hợp với địa phương tập trung chăm lo và bảo tồn như báu vật quốc gia. Ở những nơi đó đều có sân khấu riêng với lịch biểu diễn định kỳ. Mỗi lần biểu diễn được ban quản lý Hiệp hội tổ chức hết sức chu đáo, từ việc tuyên truyền, tổ chức sân khấu đến việc biểu diễn, bán vé thu tiền và cuối cùng là trả lương cho nghệ sĩ. Nếu trường hợp các nghệ sĩ không sống tập trung trong một đoàn, một đội, mà sống tự do, khi cần biểu diễn, ban quản trị của Hiệp hội thông báo tập hợp lại và có thể biểu diễn ngay không phải qua tập luyện vì họ đã quá thuần thục. Nếu ai không đảm bảo kỷ luật và kỹ thuật biểu diễn sẽ bị loại ra khỏi Hiệp hội, ngược lại, những người giỏi nghề và hoạt động theo tổ chức thì lương được duy trì lâu dài. Các hình thức sân khấu truyền thống ở Nhật Bản hoạt động hoàn toàn theo xã hội hóa, mỗi loại hình đều có Hiệp hội riêng để chịu trách nhiệm về ngành nghề của mình. Nhờ có Hiệp hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn luôn được đề cao, người nghệ sĩ được tôn trọng và mức sống của họ khá cao. Vì thế mà không ai bỏ nghề, hoặc làm nghề có tính chất tay trái như tình trạng ở Việt Nam (chỉ biểu diễn xuân thu nhị kỳ, còn lại là làm thêm nghề khác để kiếm thêm thu nhập...). Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề bảo tồn di sản nghệ thuật múa truyền thống là rất thành công và thu được kết quả tốt đẹp, còn kinh nghiệm của Hàn Quốc thì sao? 

Cũng như Nhật Bản, trong nhiều năm qua Hàn Quốc đã rất chú trọng, quan tâm và thực hiện tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn di sản nghệ thuật múa và âm nhạc truyền thống. Âm nhạc và múa là một cặp song hành không thể tách rời nhau, vì vậy khi nghiên cứu di sản múa không thể bỏ qua âm nhạc. Kinh ng hiệm của Hàn Quốc cho thấy, công tác bảo tồn di sản múa và âm nhạc truyền thống đã được họ tiến hành từ khá lâu, trước hết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã đầu tư và tạo mọi điều kiện để phát triển công tác này. Hiện tại, Hàn Quốc đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu về số hóa vô cùng hiện đại và phong phú cả về số lượng và chất lượng. Như chúng ta đã biết, Triều Tiên và Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên xây dựng thành công hệ thống Chữ múa, vì vậy công tác bảo tồn di sản Múa cổ truyền của họ rất thuận lợi. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà ng hiên cứu khoa học được nhà nước vô cùng trọng dụng vì vậy họ làm việc hết sức nghiêm túc và phát huy hết khả năng nghiên cứu chuyên sâu của mình để đưa ra kết quả nghiên cứu tốt nhất. Đến nay, Hàn Quốc đã lưu trữ được hàng trăm điệu múa và âm nhạc truyền thống được sắp xếp theo thứ tự niên đại về nguồn gốc, xuất sứ, quá trình hình hành và phát triển, đặc biệt mỗi một di sản múa và âm nhạc đều được đánh số cụ thể cả trong ghi chép và mã số hóa. 

Rút kinh nghiệm từ hai quốc gia trên, học tập theo kinh nghiệm của Nhật Bản, các nước Malaysia, Indo nesia, Thái Lan… cũng đưa ra cách bảo tồn di sản múa cổ truyền bằng hình thức “Biểu diễn miễn phí”. Ở mỗi nước đó đều có những trung tâm trình diễn nghệ thuật truyền thống. Tại những nơi này, ban tổ chức biểu diễn đã dành mỗi tuần vài buổi trình diễn miễn phí nhằm thu hút công chúng đến thưởng thức nghệ thuật truyền thống và hiệu quả mang lại là rất khả quan. Thực tế là nếu phải mua vé để xem một vài loại hình nghệ thuật như Chèo, Tuồng ở Việt Nam thì khán giả sẽ đến xem rất ít, tuy nhiên, những buổi trình diễn miễn phí vẫn có thể thu hút nhiều khán giả, cho nên công việc này vẫn phải được xem là một hoạt động thường xuyên và cần được sự trợ giúp của Nhà nước về kinh phí cũng như địa điểm biểu diễn. Do đó, ngoài phương thức lưu giữ trong các ngân hàng dữ liệu, các đoàn nghệ thuật ở Việt Nam cần tổ chức trình diễn định kỳ về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có múa dân gian của dân tộc. Công việc này có thể trình diễn miễn phí mỗi tuần từ một đến hai buổi để thu hút khán giả trong nước và khách du lịch nước ngoài đến xem. Đây là cách thức tốt nhất để khán giả, nhất là lớp trẻ tiếp xúc trực tiếp với nghệ thuật dân tộc, qua đó khơi dậy ở họ tình cảm, lòng yêu quê hương đất nước và đặc biệt là lòng say mê nghệ thuật múa dân gian dân tộc Việt Nam. Chính từ những buổi xem trình diễn như vậy, nhiều người sẽ hiểu thêm, yêu thích và tự nguyện đến với loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống, cùng góp công sức vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình. 

Ngoài cách hình thức hoạt động trên, các nước trong khu vực Đông Nam Á đều thực hiện việc bảo tồn, giữ gìn di sản múa cổ truyền dân tộc bằng hình thức khá phổ biến đó là “Xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ  âm nhạc và Múa truyền thống của mình”. Năm 2012 và 2013 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ sở dữ liệu về múa và âm nhạc truyền thống châu Á” tại Seoul. Tới dự hội thảo gồm có các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về lĩnh vực múa và âm nhạc của 16 nước Châu Á, trong đó chủ yếu là đại diện của 10 nước trong khu vực Đông Nam Á. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ và giới thiệu ngắn gọn về một thể loại múa và âm nhạc truyền thống đặc trưng của mỗi quốc gia, trên cơ sở các bài tham luận đã trình bày tại hội nghị, các thành viên và đại biểu tham dự đã trao đổi và thống nhất về nội dung nghiên cứu, cách thức thực hiện... Sau đó, các nhà nghiên cứu vũ đạo và âm nhạc sẽ tiến hành công việc nghiên cứu của mình theo các cách thức mà ban tổ chức đã hướng dẫn. Khi hoàn thành công trình, các tác giả sẽ cung cấp nguồn tài liệu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc xây dựng thành cơ sở dữ liệu về múa và âm nhạc truyền thống Đông Nam Á tại thành phố Gwangju. Đây là công việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa hết sức khoa học và có ý nghĩa lớn nhằm mục đích trao truyền lại cho các thế hệ sau dùng làm tài liệu tra cứu, nghiên cứu, tham khảo và học tập về nghệ thuật múa và âm nhạc cổ truyền Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. 

Việc thực hiện công tác tư liệu hóa cần được tiến hành theo qui trình như sau: ghi lại di sản văn hóa phi vật thể dưới dạng vật thể, theo hiện trạng của nó, và thu thập các tư liệu liên quan đến nó. Tư liệu hóa cần phải sử dụng những phương tiện và thiết bị ghi dữ liệu khác nhau và những tư liệu thu thập được thường được lưu giữ trong các thư viện, các cơ quan lưu trữ hồ sơ hoặc các địa chỉ mạng (website), nơi các cộng đồng liên quan và quảng đại quần chúng có thể khảo chứng. Nhưng các cộng đồng và nhóm người cũng có những hình thức tư liệu hóa truyền thống đó là những quyển sưu tập bài hát hay những cuốn sách thiêng, các mẫu dệt hoặc các cuốn sách mẫu hoa văn, hay các thần tượng và biểu tượng - những cách thức ghi lại tri thức và các hình thức biểu đạt của di sản văn hóa phi vật thể. Sự nỗ lực và các chương trình tự tư liệu hóa mang tính sáng kiến của cộng đồng nhằm đưa các tài liệu đã được lưu trữ để hồi cố hoặc phổ biến chúng với mục đích khuyến khích sự sáng tạo liên tục là một số trong những chiến lược bảo vệ đã được thử nghiệm và ngày càng được áp dụng phổ biến. 

2. Thành công và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam 

Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã có những thành công và bài học kinh nghiệm cho riêng mình, trong đó có một số địa phương thực hiện thành công việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể góp phần giáo dục tốt cho thế hệ trẻ và xây dựng được một đội ngũ “truyền nhân” kế cận, tuy chưa thể sánh với thế hệ trước, nhưng cũng đã là những tín hiệu tốt, đáng mừng. 

PGS.TS. Lê Thị Hồng Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phân tích từ năm loại hình trình diễn của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể gồm: hát Xoan Phú Thọ, Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh và Ca trù. Cụ thể, nhiều thay đổi rõ rệt trong hai giai đoạn trước và sau khi được công nhận đã cho thấy tác động của việc bảo tồn đúng hướng của năm loại hình nghệ thuật trình diễn kể trên. Ví dụ, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế trước đây chỉ có hai đoàn, trình diễn 1-2 suất/ngày, tuy nhiên bây giờ đã có ba đoàn thay nhau diễn liên tục 3-4 suất/ngày tại sân khấu Duyệt Thị Đường. Hát xoan, Cồng chiêng, Quan họ và Ca trù đều bắt đầu xuất hiện lớp nghệ nhân trẻ… 

GS.TS. Trần Quang Hải (Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) chia sẻ những trăn trở về việc quan tâm đến lớp nghệ nhân cao tuổi - một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn các loại hình văn hóa trình diễn truyền thống: “Chúng ta phải nên nghĩ đến việc bảo vệ nghiêm túc và cụ thể bằng cách tôn vinh xứng đáng những nghệ nhân lớn tuổi là những người gìn giữ các bộ môn đó để họ có một đời sống thoải mái, tiếp tục truyền lại cho thế hệ hậu sinh duy trì nghệ thuật cổ truyền và đồng thời tăng cường việc kiểm soát các di sản đó theo đúng tôn chỉ của UNESCO”. 

Việc đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành một trong những đối tượng điều chỉnh của hệ thống pháp luật Việt Nam cũng góp phần khẳng định sự quan tâm của Nhà nước. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài phân tích: “Điều này chứng tỏ, ý tưởng về di sản văn hóa phi vật thể và các tiêu chí do UNESCO xác định đã được hợp pháp hóa, đảm bảo cho việc bảo tồn loại hình di sản này có tính pháp lý vững chắc, có tính định chế bền vững mới tại Việt Nam”. Ông Bài cũng khẳng định: “Tiếp thu tinh thần của Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đưa mô hình Di sản văn hóa phi vật thể thành một loại hình di sản mới và lồng ghép nó vào cơ cấu thể chế của đất nước. Đó là sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về di sản văn hóa”. 

Với những ý kiến về bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam theo công ước UNESCO là cách làm hết sức khoa học và đúng đắn, vì vậy việc bảo tồn, phát huy di sản múa dân gian dân tộc Việt Nam đã thực hiện và tiến hành được đến đâu? Đó là câu hỏi đặt ra đối với những nhà nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật múa và những cơ quan bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Vậy công tác bảo tồn cần phải được thực hiện như thế nào sau khi tìm hiểu qua kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á về bảo tồn di sản múa cổ truyền. 

Đã có một thời gian, công tác bảo tồn các di tích văn hóa được hiểu như là việc bảo vệ giữ gìn càng cẩn thận, càng chắc chắn thì càng tốt. Theo phương châm đó, nhiều nơi đã bảo tồn bằng cách “cất giấu” thật kỹ di tích, di sản hoặc cấm mọi người tiếp cận. Ngày nay, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm mới về bảo tồn di sản - gọi là “bảo tồn tích cực”, nghĩa là đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Các di sản văn hóa phải được bảo vệ, tôn tạo và tổ chức giới thiệu rộng rãi cho công chúng biết, chiêm ngưỡng, nghiên cứu. 

Để thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, trước hết phải dựa trên hai nguyên tắc: Tăng cường sự tham dự của cộng đồng vào các di sản và tôn trọng quyền văn hóa của chủ thể, tức là quyền tự do biểu đạt, tự do sáng tạo, sở hữu. Trong đó, quan trọng nhất là phải có tự do sáng tạo, biểu đạt. Có hai hình thức bảo tồn là bảo tồn tĩnh và bảo tồn động. Bảo tồn tĩnh là tư liệu hóa các loại hình văn hóa phi vật thể, bao gồm làm phim tư liệu, chụp ảnh rồi cất vào kho hoặc trình chiếu. Bảo tồn động là gắn di sản đó với không gian và môi trường sống của nó. Theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu, cả hai cách thức trên đều có những phức tạp riêng và cách nào cũng tốn tiền như nhau. Tuy nhiên, bảo tồn động có khả năng tăng thu nhập và đóng góp vào ngân sách cho chủ thể tốt hơn (thông qua hoạt động du lịch).

Trong khi thực hiện công việc bảo tồn, di sản phải gắn với cộng đồng của nó, không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay có nguy cơ là một số di sản văn hóa phi vật thể có thể tàn lụi hoặc biến mất mà không hề có bất kỳ sự cứu giúp nào, nhưng bảo tồn không có nghĩa là làm đông cứng hay đóng băng di sản văn hóa phi vật thể trong trạng thái nguyên sơ hay thuần túy, không thay đổi. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến việc truyền dạy tri thức, kỹ năng và ý nghĩa của di sản đó. Việc lưu truyền chính là sự truyền dạy di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác chứ không phải là sản sinh ra những biểu đạt cụ thể như các điệu múa, bài hát, nhạc cụ hoặc các nghề thủ công. Do vậy, ở phạm vi rộng, bất kỳ biện pháp bảo tồn nào cũng liên quan đến việc tăng cường và củng cố những điều kiện đa dạng, hữu hình cũng như vô hình, cần thiết cho sự thể hiện và phát triển liên tục của di sản văn hóa phi vật thể cũng như cho việc truyền dạy nó cho các thế hệ tương lai. Các biện pháp bảo vệ phải luôn được xây dựng và áp dụng với sự đồng thuận và tham gia của chính cộng đồng. Trong một vài trường hợp nhất định, sự can thiệp của chính quyền nhằm bảo vệ di sản của một cộng đồng có thể là điều không đáng mong muốn, vì vô tình điều đó có thể làm sai lệch giá trị di sản của cộng đồng. Hơn nữa, các biện pháp bảo tồn phải luôn luôn tôn trọng các tập quán chi phối việc tiếp cận tới các khía cạnh riêng biệt của di sản đó, ví dụ như những thể hiện di sản văn hóa phi vật thể linh thiêng hoặc những điều được coi là bí mật. 

Bảo tồn là giữ lại không để cho mất đi. Trong nghiên cứu lịch sử văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa là một vấn đề quan trọng luôn được quan tâm và đặt ra để suy xét, giải quyết. 

Bảo tồn di sản văn hóa là bảo vệ, giữ lại không chỉ những giá trị lịch sử - văn hóa liên quan đến quá khứ mà cả những giá trị trong hiện tại. Phát huy và phát triển được hiểu là tác động làm cho cái hay, cái tốt tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Bảo tồn và phát huy, phát triển là những phạm trù luôn gắn liền với nhau trong việc xây dựng và sáng tạo văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa luôn có tính kế thừa. Nếu chỉ bảo tồn mà không phát huy, phát triển thì các giá trị văn hóa được bảo tồn sẽ nhanh chóng bị quên lãng, bị lỗi thời và lạc hậu. Do vậy, phát huy và phát triển sẽ tạo điều kiện và mở ra hướng tiếp nhận và phát huy ảnh hưởng mới, khiến cho các giá trị văn hóa không những không bị tụt hậu, mà vẫn giữ được bản sắc. 

Chúng ta nhận thức rằng, sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản múa nói chung, trong đó có di sản múa dân gian dân tộc Việt Nam chỉ có thể được đẩy mạnh và đạt hiệu quả khi người dân tự giác tham gia. Do đó, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ngoài việc phổ biến các quy định, cần thiết phải giải thích và cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định chung của Nhà nước và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Ngoài ra, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân cần gắn với cuộc vận động xã hội hóa trong công tác bảo tồn, chỉ khi người dân có ý thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa thì mọi khó khăn đều có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Người dân sẽ không tiếc công sức, thời gian, thậm chí, họ có thể mang tiền bạc, của cải và tài sản của mình để phục vụ cho các hoạt động bảo tồn. Tuyên truyền, vận động cần phải làm một cách đồng bộ với nhiều phương thức khác nhau, tránh làm ồ ạt. Bên cạnh đa dạng hóa các chương trình tuyên truyền cần đưa vào nội dung chương trình những thông tin cụ thể, sát thực và gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân nhằm mang lại hiệu quả cao. 

Đối với dân tộc Việt Nam nghệ thuật múa dân gian đã ăn sâu và không thể thiếu vắng trong các nghi thức, nghi lễ và lễ hội của cộng đồng và trở thành một phần của cuộc sống tạo nên bản sắc dân tộc đặc trưng trong văn hóa Việt Nam. Đặc biệt ngày nay loại hình múa này thường xuyên xuất hiện trong các chương trình Sự kiện quan trọng trong các ngày lễ trọng đại của đất nước. Như chúng ta biết, đối với một đất nước, một dân tộc vấn đề giao lưu văn hóa không chỉ là quy luật mà trở thành chiến lược phát triển quốc gia. Không nằm ngoài xu hướng trên, di sản múa dân gian dân tộc muốn tồn tại và phát triển bền vững cần có sự giao lưu, hội nhập về con người, văn hóa. Do đó chính quyền, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phải chủ động tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát triển nguồn lực văn hóa truyền thống cho việc phát triển du lịch. 

Trên cơ sở thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa dân gian dân tộc Việt Nam, tác giả đã đưa ra một số kinh nghiệm bảo tồn về di sản nghệ thuật múa của một số nước Đông Nam Á để tham khảo. Muốn việc học tập và lựa chọn phù hợp các kinh nghiệm trên áp dụng vào thực tế tại Việt Nam đạt hiệu quả, đòi hỏi những nhà quản lý, những nhà nghiên cứu ở các cấp, các ngành phải phối hợp đồng bộ và kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi sở tại. Điều này rất quan trọng vì phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, sự đồng lòng chung sức của nhân dân thì công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân mới đạt kết quả tốt. 

Di sản văn hóa dân tộc nói chung và di sản múa dân gian dân tộc nói riêng đang có nguy cơ bị biến dạng và mai một. Giới trẻ hiện nay đang thờ ơ với văn hóa cổ truyền của dân tộc. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông đã thu hút các bạn trẻ yêu thích các loại hình khác như Híp hốp, Dance sport… Vì vậy chủ trương “trở về nguồn’’ trở về với những giá trị nhân văn của mạch nguồn dân tộc đang được Đảng, Nhà nước và các nhà nghiên cứu văn hóa đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện. 

Học tập kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á trong công tác bảo tồn di sản múa cổ truyền là một việc làm hết sức cần thiết nhằm giúp cho công tác bảo tồn di sản múa dân gian dân tộc nói riêng và các loại hình di sản văn hóa Việt Nam nói chung đạt kết quả tốt. Qua ng hiên cứu trường hợp ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nhận thấy có hai phương thức tiêu biểu đó là: Bảo tồn thông qua hình thức “Biểu diễn miễn phí” và “Xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ”, bên cạnh đó nhất thiết phải có sự vào cuộc và chỉ đạo trực tiếp của Bộ văn hóa ở các quốc gia. Tuy nhiên với hai phương thức bảo tồn trên, việc vận dụng vào công tác bảo tồn di sản múa dân gian dân tộc Việt Nam còn phụ thuộc vào sự phối hợp đồng bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội nghệ sĩ múa Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể về đầu tư kinh phí, trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác bảo tồn đạt hiệu quả.  

Tài liệu tham khảo:

1. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (2012), "Tuyển tập những bài viết về Nghệ thuật Múa Việt Nam" Tập I, Nxb Văn hóa dân tộc. 

2. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (2013), "Tuyển tập những bài viết về Nghệ thuật Múa Việt Nam" Tập II, Xưởng in quân đội. 

3. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (2017), "Tuyển tập những bài viết về Nghệ thuật Múa Việt Nam" Tập III, Công ty Cổ phần in truyền thông Việt Nam. 

4. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (1994), "Nghệ sĩ Múa Việt Nam", Nhà in Khoa học và Công nghệ. 

5. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, “Kỷ yếu hội thảo khoa học" từ năm 2000 đến 2020, Tài liệu nội bộ. 

6. Lê Ngọc Canh (2008), “Lịch sử Nghệ thuật Múa Việt Nam”, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, Nxb Sân khấu - Hà Nội. 

7. Lâm Tô Lộc (2011), "Tìm hiểu về nghệ thuật múa Việt Nam" (Di cảo của GS.TSKH Lâm Tô Lộc), Nxb Văn hóa dân tộc. 

8. Ứng Duy Thịnh (2019), "Nghệ thuật múa Việt Nam - Từ một góc nhìn”, Nxb Văn hóa dân tộc.