HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Dạy học tích hợp với công tác biên soạn giáo trình “Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa” 

01/01/2023

TS. Phạm Thanh Giang 

1. Đặt vấn đề 

Để góp phần thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, dạy học tích hợp chính là cơ sở cho sự phát triển năng lực cho người học. 

Dạy học tích hợp đang dần trở thành một xu hướng tối ưu của lý luận dạy và học ngày nay và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy, 100% cả nước đều xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tích hợp. Các môn học tích hợp cơ bản đảm bảo tính logic, nội dung được sắp xếp hỗ trợ nhau, có sự liên kết giữa các phân môn. 

Đánh giá được vai trò, vị trí của bộ môn âm nhạc giảng dạy cho ngành múa, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã định hướng chỉ đạo xây dựng tích hợp liên môn âm nhạc trong “Giáo trình Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa”. 

2. Một số lý luận về dạy học tích hợp 

2.1. Khái niệm tích hợp 

Theo từ điển Tiếng Việt “Tích hợp là sự kết hợp những hoạt động, chương trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng, là sự thống nhất, sự hài hòa, sự kết hợp”. 

Theo từ điển Giáo dục học: “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học”. 

Như vậy, tích hợp là một hoạt động mà ở đó cần phải kết hợp, liên hệ, huy động các yếu tố, nội dung gần có liên quan với nhau, làm sáng tỏ vấn đề cùng một lúc đạt được nhiều mục tiêu khác nhau đưa nội dung giảng dạy có mối liên hệ vào quá trình giảng dạy các môn học. 

2.2. Dạy học tích hợp 

Dạy học tích hợp là một quan niệm dạy học nhằm hình thành ở người học những năng lực giải quyết hiệu quả các tình huống thực tiễn dựa trên sự huy động nội dung, kiến thức, kỹ năng có thể gần, hoặc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa là đảm bảo để mỗi người học biết cách vận dụng kiến thức học được trong nhà trường vào thực tiễn cuộc sống như các hoàn cảnh mới qua đó trở thành một người công dân có trách nhiệm, một người lao động có năng lực. 

Dạy học tích hợp là định hướng về nội dung và phương pháp dạy học, trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để người học biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, thông qua đó hình thành những kiến thức, kỹ năng mới, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống. 

Dạy học tích hợp phải được thể hiện ở cả nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, hình thức tổ chức dạy học. Dạy học tích hợp đòi hỏi việc học tập trong nhà trường phải được gắn với các tình huống của cuộc sống mà sau này người học có thể gặp phải, vì thế nó trở nên có ý nghĩa đối với các em. 

Vì vậy, thực hiện dạy học tích hợp sẽ phát huy tối đa sự trưởng thành và phát triển cá nhân mỗi người học, giúp cho giờ học sẽ trở nên sinh động hơn, vì không chỉ có người dạy trình bày mà người học cũng tham gia vào quá trình tiếp nhận thảo luận kiến thức, từ đó người học hứng thú nghiên cứu bài học, vận dụng vào thực tế. 

2.3. Ý nghĩa của tích hợp trong dạy học 

Trong quá trình phát triển của khoa học và giáo dục, còn nhiều kiến thức, kỹ năng rất cần trang bị cho người học để các em có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống. Do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kỹ năng thông qua các môn học. 

Tích hợp các kiến thức gần nhau, liên quan với nhau nhập vào cùng một môn học sẽ giúp số môn học giảm bớt, tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học và giảm tải cho người học. 

Khi giáo viên kết hợp tốt phương pháp dạy học tích hợp, sử dụng các nội dung có trong thực tiễn, bên cạnh việc giúp người học chủ động, tích cực học tập còn lồng ghép được các nội dung khác nhau trong một bài học. 

2.4. Ý nghĩa của tích hợp trong dạy học các môn âm nhạc ở Học viện Múa Việt Nam 

Môn học Kiến thức âm nhạc được dạy tại Học viện Múa Việt Nam và các trường văn hóa nghệ thuật giảng dạy ngành Múa là môn học tích hợp theo chiều ngang nhằm tích hợp các mảng kiến thức, kỹ năng trong môn học theo nguyên tắc đồng quy. Tích hợp các kiến thức, kỹ năng cơ bản của môn Lý thuyết âm nhạc, Xướng âm, Hình thức âm nhạc trong đó chú trọng phương pháp luyện đọc, nghe cao độ, trường độ, tiết tấu, xác định được tính chất âm nhạc, sắc thái tình cảm, những kiến thức cần thiết để hiểu được các yếu tố diễn tả âm nhạc, có thể phân tích một bài hát, một bản nhạc múa theo từng đoạn, từng câu và qua đó là biết được cấu trúc tác phẩm âm nhạc muốn biểu đạt, qua đó là tiến tới nghe, đọc, thể hiện hoàn chỉnh giai điệu của bài tập hay tác phẩm âm nhạc. Người học sẽ có kỹ năng và vận dụng Kiến thức âm nhạc vào thực tiễn và các hoạt động biểu diễn các tác phẩm múa tạo điều kiện cho người học vận dụng tổng hợp kiến thức và áp dụng thực hành các kiến thức ngay sau mỗi giờ học. 

3. Căn cứ xây dựng tích hợp liên môn âm nhạc trong giáo trình “Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa” 

3.1. Vai trò của âm nhạc trong đào tạo múa 

Âm nhạc đóng một vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết trong mọi hoạt động cuộc sống của con người nói chung và nghệ thuật múa nói riêng, trong đó vai trò giáo dục của âm nhạc chiếm một vị trí cốt lõi đối với chủ thể sáng tạo múa. Có thể khẳng định rằng âm nhạc đã và đang sát cánh, chắp cánh cho múa và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Để phát huy được vai trò của âm nhạc các nhà biên đạo múa, diễn viên múa cần phải được học và cảm thụ âm nhạc một cách sâu sắc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ cần được học để nhận biết được hình tượng, đặc điểm, bản chất thẩm mỹ của các tác phẩm âm nhạc phục vụ cho múa thông qua các học phần Kiến thức âm nhạc trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa và cùng với đó là quá trình tự học tập nâng cao trình độ âm nhạc của mình qua lý thuyết, thực hành và đặc biệt sự sáng tạo trong các hoạt động thực tế. 

3.2. Ưu điểm trong học tập tích hợp liên môn âm nhạc đối với người học 

Nội dung mang thực tiễn khách quan hơn giúp cho bài học trở nên sinh động, thu hút với các em không gây nhàm chán mà tạo động lực để các em sáng tạo, tư duy theo cách suy nghĩ của bản thân. Những kiến thức được các em vận dụng ngay vào các giờ học chuyên môn múa. 

Những nội dung tích hợp của liên môn âm nhạc còn tiết kiệm thời gian học cho các em tìm hiểu những kiến thức khác vì các em không phải học đi học lại một nội dung ở những môn khác nhau. Điều đó không những tạo quá nhiều áp lực, gây tẻ nhạt trong việc học, làm chậm khả năng tư duy của các em, biến bộ não thành cỗ máy lập trình sẵn nữa mà thay vào đó là khả năng tự giác, chủ động trong học tập, giúp các em tìm lại sự hứng thú trong học tập. 

* Ví dụ 1 một bài học thực tế trong Kiến thức âm nhạc 3 giáo trình “Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa”: Mỗi bài học đều xác định vấn đề cần giải quyết trong dạy học theo “Mục tiêu , “Nội dung”. Đúng trình tự của liên môn âm nhạc Lý thuyết âm nhạc (phần học lý thuyết ), Xướng âm (phần thực hành tiết tấu và đọc nhạc, đọc xướng âm), Hình thức âm nhạc (nghe cảm thụ và phân tích các hình thức, chức năng câu nhạc, đoạn nhạc, các phần theo lý thuyết đã học. 

Bài 1 (Kiến thức âm nhạc 3)

1. Mục tiêu 

Nắm vững khái niệm về quãng trong âm nhạc. Hiểu rõ khái niệm chủ đề âm nhạc. 

Nghe cảm thụ chủ đề âm nhạc. 

Nghe cảm thụ bản nhạc luyện tập động tác “Thế tay, thế chân”, nhận biết chủ đề. 

Gõ đúng tiết tấu cơ bản xen cùng đảo phách. 

Đọc đúng gam, hợp âm chủ rải và bài tập đọc nhạc ở giọng Son trưởng. 

2. Nội dung 

2.1. Khái niệm quãng trong âm nhạc 

Quãng là khoảng cách của hai cao độ kết hợp đồng thời hay lần lượt kế tiếp. 

Âm gốc là âm có cao độ thấp hơn âm ngọn. 

2.1.1. Quãng hòa thanh (quãng hòa âm) 

Quãng hòa thanh là kết hợp đồng thời hai cao độ cùng vang lên. Ví dụ: 

2.1.2. Quãng giai điệu 

Quãng giai điệu là kết hợp lần lượt hai cao độ vang lên nối tiếp nhau (kèm theo hướng chuyển động của quãng). Ví dụ: 

2.1.3. Khoảng cách của quãng 

Quãng được xác định khoảng cách đồng thời bởi độ lớn số lượng và độ lớn chất lượng, đó là số bậc và số cung của hai cao độ có trong quãng. Ví dụ: 

Quãng giai điệu (A - E) có số bậc là 5 (A, B, C, D, E), có số cung là 3,5 cung. Số cung được gọi kèm sau số bậc bằng các từ như: 

Quãng (1, 4, 5, 8) được gọi là đúng hay tăng, tăng kép, giảm, giảm kép, (tùy thuộc vào số cung). Quãng (2, 3, 6, 7) được gọi là trưởng, thứ hay tăng, tăng kép, giảm, giảm kép, (tùy thuộc vào số cung). Ví dụ gọi tên là (quãng 5 đúng), sẽ không có quãng 5 trưởng, quãng 5 thứ… 

2.2. Khái niệm chủ đề âm nhạc 

Chủ đề âm nhạc là nét nhạc trung tâm biểu hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm, là điểm tựa để gắn kết và phát triển tác phẩm. 

Cách xác định chủ đề âm nhạc 

Chủ đề thường xuất hiện ở vị trí đầu của tác phẩm (đối với tác phẩm không có phần mở đầu). Chủ đề là nét nhạc thống nhất về tiết tấu, âm điệu, gây ấn tượng nổi bật. Chủ đề thường kết trọn hoàn toàn ở điệu tính chính. Chủ đề có khuôn khổ, dài ngắn tuỳ thuộc vào từng tác phẩm.

Vai trò của chủ đề âm nhạc 

Chủ đề có vai trò chính quyết định giá trị nội dung tác phẩm. 

Cần hiểu rõ khái niệm cũng như vai trò của chủ đề âm nhạc để nhìn nhận tác phẩm một cách thấu đáo. Khi nghe bản Fur Elise của L.V. Beethoven. 

2.3. Nghe cảm thụ âm nhạc 

Nghe và cảm thụ bản nhạc luyện tập động tác “Nhích chân tiến - Nhích chân ngang” trong giáo trình nhạc đệm môn múa Dân gian dân tộc - Dân tộc Xơ Đăng, nhận biết chủ đề âm nhạc. 

2.4. Tiết tấu âm nhạc 

Thực hành kết nối tiết tấu xen cùng đảo phách. 

2.5. Tập đọc nhạc 

Kết thúc mỗi bài học đều có phần Câu hỏi ôn tập kiểm tra đánh giá các nội dung kiến thức xuất hiện trong bài học: Trình bày khái niệm về quãng trong âm nhạc? Trình bày khái niệm chủ đề âm nhạc? Nêu cảm thụ sau khi nghe nhạc đệm bài luyện tập động tác “Nhích chân tiên - Nhích chân ngang” trong giáo trình nhạc đệm môn múa Dân gian dân tộc? Thực hành tiết tấu xen cùng đảo phách. Thực hành đọc gam, hợp âm chủ rải và bài tập đọc nhạc ở giọng Son trưởng? 

3. Ưu điểm trong dạy học tích hợp liên môn âm nhạc đối với giáo viên 

Giáo viên đã có sự am hiểu những kiến thức liên môn trong quá trình giảng dạy bộ môn của mình nên dễ dàng tổng hợp và rút gọn kiến thức những ý chính dễ hình dung và không bị trùng lặp. 

Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà sẽ phải định hướng học tập cho người học ngoài lớp học với phương pháp này. Giáo viên phải tự tổ chức kiểm tra, đánh giá môn học của mình. Mỗi giáo viên có liên quan trong tổ chuyên môn có điều kiện thuận lợi chủ động hơn trong sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác giảng dạy. Giáo viên được chủ động xây dựng nội dung chính để giảng dạy, lựa chọn các đoạn nhạc, bản nhạc phù hợp để người học được nghe, cảm thụ, phân tích được hình thức âm nhạc của tác phẩm. Giáo viên chủ động xác định những năng lực có thể nâng cao cho người học trong từng nội dung, biên soạn thêm các câu hỏi bài tập để đánh giá năng lực người học ngay sau mỗi tiết học. 

4. Kết luận 

Dạy học tích hợp liên môn âm nhạc giúp người học không phải học thuộc kiến thức một cách máy móc và khó khăn, mỗi bài học sẽ được ghi nhớ tốt hơn trong các tình huống thực tiễn, giúp các em hình thành được tư duy liên kết kiến thức một cách khoa học, giảm bớt thời gian, công sức học lại nhiều lần gây nhàm chán và khó vận dụng được trong các môn học chuyên môn với những kiến thức đơn lẻ. 

Việc áp dụng dạy học tích hợp liên môn âm nhạc đã giúp người học phát huy được tính tích cực chủ động, hiểu phần lý thuyết và hứng thú hơn với các bản nhạc khi nghe cảm thụ gắn liền với các động tác múa, các tiểu phẩm, các tác phẩm múa. Tạo cho người học phát triển tư duy liên hệ và nhận thức và áp dụng một cách thấu đáo. 

Cách dậy học tích hợp liên môn âm nhạc trong giáo trình Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa được xây dựng tích hợp từ các môn học truyền thống nhưng bài học với kiến thức và khối lượng các bài tập, bài nghe phong phú hơn, có cách nhìn từ nhiều chiều. 

Thực tế cho thấy, dạy học tích hợp là cần thiết, là xu hướng tối ưu của lý luận dạy học được nhiều nước Đông Nam Á và trên thế giới thực hiện. Tích hợp liên môn âm nhạc tại các trường văn hóa nghệ thuật có đào tạo ngành múa giúp người học được hướng tới xu hướng của nền giáo dục hiện đại, là cơ hội để người học vận dụng kiến thức đã học một cách hiệu quả nhất. 

Bước đầu tiếp cận cách dạy học tích hợp liên môn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhưng chắc chắn kết quả đạt được sẽ tích cực, hiệu quả.


Tài liệu tham khảo 

1. Dạy học tích hợp phát triển năng lực người học, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. 

2. Giáo trình cấp Bộ “Kiến thức âm nhạc trong đào tạo Múa”, Phạm Thanh Giang (chủ biên), 2021. 

3. Kết quả nghiên cứu “Tổng quan về dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục”, ThS. Nguyễn Thị Thu Thanh (Khoa sư phạm, trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), 2022.