HỌC VIỆN MÚA VIỆT NAM

Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng Nghệ thuật Múa

✆ +84 (243) 764 3546   ✉ hvmvn@vnad.edu.vn




Những vấn đề đặt ra trong công tác tuyển sinh ở Học viện Múa Việt Nam hiện nay 

01/01/2023

TS. Bạch Mỹ Trinh 

Tuyển sinh là khâu quan trọng trong quy trình đào tạo, mang tính quyết định đến chất lượng đào tạo và việc thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường. 

Cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác khác, học sinh muốn theo học Nghệ thuật múa đều phải trải qua các kỳ tuyển sinh, từ sơ tuyển đến chung tuyển. Những người dự tuyển để vào học các chuyên ngành múa phải có đủ những điều kiện theo quy định trong Quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất ban hành, như: độ tuổi, trình độ văn hóa, sức khỏe, ngoài ra còn phải đạt được những tiêu chí tuyển chọn của từng chuyên ngành cụ thể. 

Học viện Múa Việt Nam đã trải qua 63 năm xây dựng và phát triển. Công tác tuyển sinh đã có bề dầy lịch sử với nhiều thành tựu trong việc tìm kiếm và phát hiện những tài năng biểu diễn cho nghệ thuật múa Việt Nam. Với các trình độ tuyển sinh đa dạng: trung cấp, cao đẳng, đại học, ở các chuyên ngành: Biên đạo múa, Huấn luyện Múa và Diễn viên múa. Nói cách khác, công tác tuyển sinh đã luôn gắn với những bước phát triển thăng trầm qua các thời kỳ của nhà trường. 

Năm 2019, Trường Cao Đẳng Múa Việt Nam được nâng cấp lên thành Học Viện Múa Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường. Song song với việc đào tạo trình độ Trung cấp Diễn viên múa nhà trường bắt đầu đào tạo trình độ đại học Biên đạo múa, Huấn luyện múa. Để đáp ứng nhiệm vụ mới, nhà trường đã xây dựng phương án tuyển sinh vừa đảm bảo Quy chế tuyển sinh Đại học - Cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa phù hợp với thực tế của nhà trường. Tuy nhiên những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới công tác tuyển sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn: 

Thứ nhất, đối với trình độ trung cấp, nguồn tuyển khan hiếm là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng và chất lượng học sinh. Mặc dù nhà trường đã tìm nhiều biện pháp để thu hút thí sinh nhưng số lượng học sinh đến tuyển múa không đông. Chất lượng nguồn tuyển cũng rất hạn chế. Trung bình chỉ có khoảng từ 30 đến 40% số thí sinh đạt yêu cầu theo “Tiêu chí tuyển chọn học sinh năng khiếu múa”. Số thí sinh đạt chất lượng khá và tốt lại càng hiếm. Đặc biệt, nguồn tuyển học sinh nam hệ dài hạn rất khan hiếm dẫn đến việc có những năm không mở được lớp học sinh nam. Có năm lại phải ghép học sinh nam, nữ vào cùng một lớp. Điều này đã làm ảnh hưởng không tốt tới chất lượng đào tạo nghệ sĩ múa. Ngoài ra, sự phát triển của xã hội, sự tác động của giao thoa và tiếp biến văn hóa cùng với việc bùng nổ các show truyền hình ca nhạc, các chương trình tìm kiếm tài năng, thần tượng… dẫn tới việc phát triển mạnh mẽ của các trung tâm đào tạo nghệ thuật, trong đó có đào tạo diễn viên múa với thời gian ngắn hạn, linh hoạt: 3 tháng, 6 tháng, một năm… đảm bảo nguồn cung phong phú cho các sân chơi âm nhạc, sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp và không chuyên. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn tuyển sinh hàng năm của nhà trường. 

Thứ hai, đối với việc tuyển sinh ở trình độ đại học, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn do một số nguyên nhân: Một là, ngay ở Hà Nội có hai cơ sở đào tạo đại học chuyên ngành Biên đạo và Huấn luyện múa, đáp ứng nhu cầu của người học trên cả nước là trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội và trường ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội. Việc lựa chọn cơ sở đào tạo đại học có bề dày trong công tác đào tạo các chuyên ngành này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự lựa chọn của các thí sinh và công tác tuyển sinh của nhà trường, mặc dù có nhiều ý kiến nhận định theo học tại Học viện Múa Việt Nam các sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ tốt nhất. Hai là, nguyên nhân quan trọng làm cho ít người muốn học múa cũng bởi xuất phát từ thực tế khắc nghiệt của nghề: tuổi nghề ngắn, đòi hỏi nhiều hy sinh, nỗ lực; chính sách ưu đãi nghệ sĩ chưa thỏa đáng và Nghệ thuật múa mặc dù là một nghề gian nan vất vả nhưng chưa được xã hội trân trọng. 

Thứ ba, là nguyên nhân mang tính khách quan nhưng lại có yếu tố quyết định nhất trong những năm gần đây ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của nhà trường, đó là đại dịch Covid. Tuyển sinh trong thời điểm dịch covid bùng nổ khiến công tác đào tạo nhà trường gặp nhiều thiệt thòi và hạn chế: 

- Tuyển sinh online: đây là hình thức tuyển sinh mới và chưa từng được đề cập tới trong các tiêu chí tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Hình thức tuyển sinh này có ưu điểm giúp các thí sinh và nhà trường tránh được những nguy cơ làm bùng phát đại dich như: tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc trực tiếp… Tuy nhiên với ngành Múa, và đặc biệt tuyển sinh Diễn viên múa yêu cầu đầu tiên của nghề trong công tác tuyển chọn là học sinh phải được kiểm tra kỹ về hình thể, cấu trúc xương… nếu chỉ nhìn qua màn hình máy tính hay máy quay sẽ không kiểm tra được hết các ưu và nhược điểm của thí sinh, dẫn tới công tác tuyển chọn đã bỏ sót nhiều trường hợp thí sinh trúng tuyển mà gặp vấn đề về hình thể như: chân vòng kiềng, vai lệch, cột sống cong…. 

- Nguồn tuyển sinh càng khan hiếm hơn do sự hạn chế việc tham gia các sự kiện, hạn chế tiếp cận thông tin thời kỳ đại dịch bùng phát… dẫn tới nhiều trường hợp muốn đăng ký thi tuyển nhưng không tiếp cận được thông tin đúng thời điểm, đến với nhà trường khi đợt tuyển sinh đã kết thúc. 

Đặc điểm đối tượng đầu vào của nhà trường có nhiều nét đặc thù: Đa dạng về lứa tuổi, khác biệt về trình độ nhận thức, độ linh hoạt trong chuyên môn cộng với những nguyên nhân khách quan đã nêu ở trên khiến cho công tác tuyển sinh của nhà trường gặp không ít những khó khăn. Vấn đề ở chỗ là làm sao qua mỗi đợt tuyển sinh nhà trường phải tìm kiếm và phát hiện ra được những học sinh có tố chất chuyên môn thực sự mà vẫn đảm bảo tính khách quan, trung thực. Cho nên việc cải tiến công tác tuyển sinh trong thời gian tới là một vấn đề thiết yếu để từng bước khắc phục những hạn chế mà nhà trường đã và đang gặp phải. 

Muốn vậy, nhà trường cần tiếp tục phát huy những ưu điểm trong công tác tuyển sinh như: Lập kế hoạch, dự kiến thời gian ổn định cho các vòng tuyển cũng như thời gian chiêu sinh, tìm hiểu nguồn tuyển và dự kiến vùng tuyển; mở rộng thông tin quảng cáo với nhiều hình thức khác nhau về công tác tuyển sinh của nhà trường; tăng cường liên kết với các Sở văn hóa, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, các trường Văn hoá nghệ thuật các tỉnh, thành để mở rộng nguồn tuyển sinh. Ngoài ra, nhà trường cần: 

- Thành lập riêng Ban sơ tuyển cơ động đi đến tất cả những địa điểm đã được định trước và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đối với các vùng sâu, vùng xa cần đồng thời kết hợp sơ tuyển và chung tuyển. 

- Ứng dụng “Tiêu chí tuyển chọn học sinh năng khiếu múa” và “Tiêu chí tuyển chọn tài năng trình độ trung cấp ngành Nghệ thuật biểu diễn kịch múa” và “Tiêu chí tuyển chọn tài năng trình độ trung cấp ngành Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc” vào công tác tuyển sinh của nhà trường. 

- Tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác tuyển sinh. 

- Cần đẩy nhanh khâu xét duyệt thí sinh trúng tuyển để chiêu sinh đúng vào đầu năm học. 

Công tác tuyển sinh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự phát triển của nhà trường. Tuyển sinh đối với các trường đào tạo nghệ thuật chưa bao giờ là dễ dàng. Để công tác tuyển sinh thật sự có hiệu quả và chất lượng, nhà trường cần phải đổi mới phương thức tuyển sinh, kết hợp truyền thông rông rãi và tạo nguồn tuyển sinh đa dạng khi đó hiệu quả của công tác tuyển sinh sẽ ngày càng tốt hơn.